Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttps://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ hai - 24/05/2021 23:18
Theo báo cáo đánh giá chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn từ 2011-2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng và trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi đang là vấn đề cần quan tâm. Kết quả điều tra cho thấy có đến 27,8% trẻ nhỏ thiếu máu (31,2% ở miền núi); 69,4% thiếu kẽm (80,8% ở miền núi). Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13% (16,1% ở miền núi). Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cũng còn khá cao, cứ năm trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. Thiếu vi chất dinh dưỡng rất khó phát hiện và được coi là “nạn đói tiềm ẩn” ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em, vì nhu cầu những chất này thường rất nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn. Hiểu về lợi ích của vi chất dinh đối với trẻ em các bậc phụ huynh sẽ có những cách chăm sóc con mình phù hợp để cung cấp nguồn vi chất dinh dưỡng thiết yếu này cho trẻ. Vai trò của vi chất dinh dưỡng Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Khi nói đến vi chất dinh dưỡng tức là bao gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E…) và nhóm các nguyên tố khoáng (can xi, phốt pho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng…), có nhiều ở thức ăn động vật và thực vật. Vitamin, chất khoáng có nhiều vai trò sinh học, tham gia vào các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Chất khoáng là thành phần quan trọng cấu tạo nên cơ thể, canxi, photpho là thành phần chính của xương và răng. Chất khoáng có nhiều tác dụng trong các chức phận sinh lý và chuyển hóa của cơ thể, duy trì áp lực thẩm thấu. Ảnh hưởng của thiếu vi chất
Thiếu vi chất gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, thể lực, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới chậm phát triển chiều cao (suy dinh dưỡng thấp còi làm chiều cao người trưởng thành không đạt theo trần ngưỡng di truyền) ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Dấu hiệu tác hại: - Thiếu vitamin A và bệnh khô mắt: vitamin A có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Giúp trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ các biểu mô giác mạc, da, niêm mạc. Khi thiếu trẻ chậm lớn, còi cọc, hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, thiếu nặng đưa đến khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa. - Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt: Sắt là thành phần của huyết sắc tố, tham gia vào quá trình vận chuyển oxy và giữ vai trò quan trọng trong hô hấp tế bào. Thiếu sắt gây thiếu máu. Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ em và phụ nữ khi có thai. Khi bị thiếu máu thường có biểu hiện da xanh, niêm mạc môi, lưỡi, mắt, nhợt nhạt, thiếu tập trung, kém hoạt bát, phụ nữ dễ sinh non, sảy thai… - Còi xương do thiếu canxi và vitamin D: Thiếu vitamin D làm trẻ chậm lớn, còi xương, xương giòn, mất ngủ… Làm gì để phòng tránh thiếu vi chất? Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6) năm nay, với chủ đề “Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống”. Để thực hiện bổ sung vitamin A, Viện Dinh dưỡng đã cấp hàng triệu liều liều viên nang vitamin A cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi ở 41 tỉnh/thành và từ 6-60 tháng tuổi ở 22 tỉnh khó khăn, của hơn 11.000 xã/phường tại 63 tỉnh/thành trong toàn quốc, nhờ đó sẽ gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ. Một trong những giải pháp quan trọng trong phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là tăng cường công tác truyền thông để nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho toàn dân, bằng cách: Thực hiện Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030, Bộ Y tế đưa Chương trình vitamin A vào Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giảm tỷ lệ mù lòa do thiếu vitamin A. Để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng cần lưu ý: 1.Ăn đa dạng các loại thức ăn, bữa ăn hàng ngày phải có 15-20 loại thực phẩm, ăn đủ số lượng, chất lượng. - Chọn lựa thực phẩm giàu dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng. Ăn đủ rau và trái cây, chú ý rau xanh đậm, của quả màu vàng, đỏ (củ cải đỏ, xoài, dưa hấu, bí đỏ…) và luôn uống đủ lượng nước theo nhu cầu (mỗi ngày từ 2-2,5 lít, ít nhất 1,5 lít), nên uống nước ấm. Chú ý không chờ tới lúc khát mới uống, thay vào đó uống thường xuyên mỗi lần một chút cho vừa đủ. 2. Tuyên truyền lợi ích của vitamin, khoáng chất có trong thực phẩm Dùng muối i-ốt trong chế biến thức ăn. 3. Bổ sung vitamin liều cao cho trẻ em, phụ nữ có thai bổ sung sắt, axít folic theo khuyến cáo Vì sự phát triển trí tuệ và thể lực của trẻ cho tương lai, các bậc phụ huynh hãy quan tâm bổ sung vi chất cho trẻ, hưởng ứng Ngày Vi chất dinh dưỡng và cho trẻ uống bổ sung vitamin A liều cao vào 2 lần trong năm, từ ngày 1-7/6 và 1-7/12 tại trạm Y tế xã/phường/thị trấn.
Triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao đợt 1/2021 Ngày 17/5/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ đã ban hành công văn số 560/KSBT-DD về việc triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao đợt 1 năm 2021. Theo đó, thời gian diễn ra chiến dịch từ ngày 1 đến ngày 7/6/2021. Trong chiến dịch, trẻ em từ 6-36 tháng tuổi sẽ được uống vitamin A theo liều hướng dẫn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của chiến dịch, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đề nghị các Trung tâm Y tế quận, huyện tổ chức triển khai Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1/2021 lưu ý. Việc thực hiện Chiến dịch phải đảm bảo an toàn và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế; đồng thời đảm bảo đối tượng được uống theo liều hướng dẫn: Trẻ em từ 6 tháng đến dưới 12 tháng: uống 01 viên duy nhất 100.000 IU (viên màu xanh); Trẻ em từ 12 tháng đến 36 tháng: uống 01 viên duy nhất 200.000 IU (viên màu đỏ). Tiếp tục các hoạt động bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ có nguy cơ cao (tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, nhiễm khuẩn hô hấp và nhiễm Sởi); đồng thời tiếp tục bổ sung vitamin A cho phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng vẫn được thực hiện thường xuyên bằng liều duy nhất 200.000 IU.