Sốt rét là một bệnh sốt cấp tính do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền sang người qua vết đốt từ muỗi Anopheles. Sốt rét là một căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được.
Tuy nhiên, hiện nay sốt rét vẫn tiếp tục có tác động tàn phá đến sức khỏe và nghề nghiệp của mọi người trên khắp thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính có khoảng 241 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét mới và 627.000 trường hợp tử vong do sốt rét ở 85 quốc gia vào năm 2020. Tại Việt Nam, năm 2023, ghi nhận 448 bệnh nhân sốt rét, 02 bệnh nhân tử vong và đã có 46 tỉnh, thành phố được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Tuy nhiên, bệnh sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp với hơn 6,8 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu, Bình Phước và một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên…
Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4/2024 với chủ đề: “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam”, nhằm truyền thông rộng rãi tới người dân về phòng, chống và loại trừ sốt rét, thu hút sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo, đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ đầu tư cho hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét. Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng đã có công văn 110/VSR-KHTH ngày 08/4/2024 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động truyền thông phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị.
Sốt rét là một căn bệnh lâu đời, hiện chưa có vắc xin nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Chính vì vậy, để làm giảm số ca mắc, việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau như diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh như làm rèm ở các khoảng không gian còn trống để ngăn muỗi bay vào nhà đốt người. Phát động chiến dịch truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống sốt rét, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao là dân di biến động vào các khu vực có sốt rét lưu hành, tăng cường vận động nhân dân tích cực làm tốt vệ sinh môi trường, triển khai các biện pháp bảo vệ cho cá nhân và cộng đồng. Bên cạnh đó, điều tra chủ động và điều trị sớm, kịp thời để góp phần đạt được các mục tiêu giảm tử vong, giảm mắc và không để xảy ra dịch.
Khi bị bệnh sốt rét mọi người cần đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng và cấp thuốc điều trị. Người bị sốt rét nếu phát hiện sớm được điều trị đúng thuốc thì bệnh sẽ khỏi, ngược lại nếu phát hiện muộn, điều trị không đúng thuốc bệnh sẽ nặng thêm, gây nhiều biến chứng và dễ bị tử vong.
Sốt rét hiện chưa có vắc xin dự phòng, vì vậy cách phòng bệnh hiệu quả nhất là phòng trừ muỗi truyền bệnh, mọi người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng nhang xua muỗi.
- Vệ sinh môi trường xung quanh, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu,…
- Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.
- Khi thấy các biểu hiện của bệnh sốt rét như: rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng và phòng lây nhiễm cho người xung quanh.
Công tác phòng, chống bệnh sốt rét chỉ riêng ngành Y tế sẽ không thể giải quyết được mà đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của chính quyền, ban ngành, đoàn thể, cộng đồng và nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng chống sốt rét, tích cực truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng để cùng chung tay đẩy lùi bệnh sốt rét, sớm về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.