Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttps://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ tư - 23/04/2025 21:48
Năm 2007, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức công nhận Ngày 25/4 là ngày Thế giới phòng chống bệnh sốt rét nhằm mục đích nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động của cộng đồng về phòng chống bệnh sốt rét.
Cán bộ Khoa Kí sinh trùng - côn trùng, CDC Cần Thơ giám sát côn trùng tại các quận/huyện. Ảnh: Kim Nhiên
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tại Việt Nam năm 2024 đã đạt được những kết quả tích cực, toàn quốc có 353 bệnh nhân sốt rét, giảm 21,21% so với năm 2023, không có tử vong do sốt rét và có 48 tỉnh đã được công nhận loại trừ sốt rét. Đây là sự nỗ lực của các cơ quan Chính phủ, Bộ Y tế, các Viện Sốt rét, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố cùng toàn bộ hệ thống y tế, các tổ chức xã hội và cộng đồng. Năm 2025, ngày Thế giới phòng chống sốt rét với thông điệp “Dồn tổng lực để loại trừ để loại trừ sốt rét: Tăng cường đầu tư; Đổi mới, sáng tạo; Quyết tâm hành động”.
Cán bộ Khoa Kí sinh trùng - côn trùng, CDC Cần Thơ soi muỗi dưới kính hiển vi. Ảnh: Kim Nhiên
Thực hiện chỉ đạo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương về việc hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống sốt rét 25/4 tại Công văn số 383/VSR-DT ngày 16/4/2025 và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM tại Công văn số 198/VSR-KHTH ngày 14/4/2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần thơ đã xây dựng kế hoạch truyền thông hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống sốt rét 25/4. Theo đó, mục tiêu đẩy mạnh hoạt động truyền thông về các biện pháp phòng chống sốt rét, đề phòng sốt rét quay trở lại, huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể trong phòng chống bệnh sốt rét, đặc biệt là người dân các vùng khó khăn; cải tiến nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông trên phương tiện đại chúng; kết hợp giữa truyền thông tại cộng đồng và truyền thông tại các cơ sở y tế; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phòng chống sốt rét ở những vùng nguy cơ và những đối tượng nguy cơ cao. Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát thường xuyên nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh sốt rét nhập cảnh từ các quốc gia, các địa phương đang lưu hành bệnh sốt rét để điều trị kịp thời và cắt đường lây truyền. Trường hợp xuất hiện ổ bệnh sốt rét sẽ được điều tra, phân loại và xử lý ổ bệnh như trong giai đoạn loại trừ sốt rét theo Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sốt rét. Duy trì thành quả nhiều năm không có sốt rét quay trở lại: đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận với chẩn đoán sớm bệnh sốt rét, điều trị kịp thời và hiệu quả tại các cơ sở y tế. Những người có nguy cơ mắc sốt rét được trang bị kiến thức và các biện pháp bảo vệ phù hợp. Người nhiễm ký Sốt rét là một bệnh có nguy cơ gây tử vong cao do ký sinh trùng Plasmodium ký sinh trong hồng cầu người gây nên. Bệnh lây truyền qua vết đốt của muỗi cái Anopheles nhiễm ký sinh trùng. Sau khi bị muỗi Anopheles cái đốt, chúng tiêm ký sinh trùng vào máu của cơ thể vật chủ. Các ký sinh trùng di chuyển đến gan và bắt đầu nằm im ủ bệnh trong 1-2 tuần, sau đó phóng thích ra tấn công vào các tế bào máu. Lúc này, các triệu chứng sốt rét bắt đầu xuất hiện rõ nét: Sốt cao, khi bị sốt rét, nhiệt độ cơ thể người bệnh trên 38,9 độ C. Đây là triệu chứng xuất hiện đầu tiên ở người bệnh, thường là khoảng từ 10-15 ngày sau khi muỗi đốt. Cơn sốt sẽ đến rồi đi một cách ngẫu nhiên và liên tục lặp đi lặp lại. Sốt cùng với các triệu chứng ban đầu của bệnh rất nhẹ và hay bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác như cảm lạnh hay cảm cúm. Những đợt sốt lần sau có cơn rét run dữ dội, run rẩy dữ dội cộng với đổ mồ hôi liên tục. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, cơn run rẩy có thể nặng tới mức gần như co giật. Sau khi các triệu chứng cơ bản và thứ phát xuất hiện, nếu người bệnh vẫn không điều trị thì sẽ dẫn đến các triệu chứng nặng hơn. Một khi chúng đã xuất hiện thì nguy cơ biến chứng và tử vong tăng đáng kể: co giật nhiều lần, hôn mê và suy nhược; thiếu máu nặng, chảy máu bất thường, khó thở và suy hô hấp; vàng da; suy thận, suy gan; huyết áp rất thấp; lá lách to. Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sốt rét mang tính quyết định trong phòng ngừa dịch bệnh, phòng ngừa tử vong và phòng chống lây lan cho cộng đồng. Cùng với các biện pháp đề phòng muỗi đốt như dùng mùng tẩm hóa chất tồn lưu lâu, việc điều trị hiệu quả cũng góp phần giảm lây truyền bệnh sốt rét. Để phòng ngừa bệnh sốt rét, người dân cần thực hiện các biện pháp sau: - Thường xuyên ngủ mùng, ngay cả vào ban ngày và mùng cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt rét. - Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng nhang xua muỗi, thuốc thoa đuổi muỗi. - Vệ sinh môi trường xung quanh, loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng, không treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu, trú ẩn; trồng hoặc đặt những loại cây như cây sả, cây húng thơm, hương thảo, cúc vạn thọ trong nhà, sân vườn… vừa thân thiện với môi trường, không gây độc hại cho sức khỏe lại giúp phòng chống và xua đuổi muỗi hiệu quả. - Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo mùng để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi phải đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm; nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời. - Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn tin: BS.CKI Huỳnh Văn Vũ, Trưởng Khoa Kí sinh trùng - côn trùng, CDC Cần Thơ