Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttps://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ năm - 24/04/2025 07:45
Trong 2 ngày 24 và 25/4/2025, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ) tổ chức lớp chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kiến thức “Hướng dẫn kỹ thuật xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét bằng kính hiển vi và test chẩn đoán nhanh” cho cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế tuyến quận/huyện trên địa bàn TP Cần Thơ.
Toàn cảnh lớp tập huấn “Hướng dẫn kỹ thuật xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét bằng kính hiển vi và test chẩn đoán nhanh” cho cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế tuyến quận/huyện.
Tại lớp tập huấn, các cán bộ y tế được giảng viên của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP Hồ Chí Minh cập nhật, nâng cao kiến thức về sốt rét; chu kỳ phát triển và hình thể ký sinh trùng sốt rét; kỹ thuật làm tiêu bản; kỹ thuật nhuộm lam máu; kỹ thuật soi phát hiện ký sinh trung sốt rét; đếm mật độ ký sinh trùng sốt rét trên tiêu bản máu nhuộm Giemsa; sử dụng và bảo quản kính hiển vi; làm sạch và bảo quản dụng cụ, lam kính trong xét nghiệm…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Bệnh sốt rét là bệnh lây truyền do muỗi Anopheles mang ký sinh trùng sốt rét truyền từ người bệnh sang người lành, bệnh lưu hành có tính chất địa phương và có thể gây thành dịch. Người mắc bệnh sốt rét thường xuyên bị thiếu máu, người gầy, da xanh, niêm mạc mắt nhợt; có thể gây lách to, phù nề do suy dinh dưỡng. Sốt rét làm giảm sức lao động, giảm ngày công lao động, tăng chi phí do đau yếu dẫn tới đói nghèo. Người mắc bệnh sốt rét không được điều trị sẽ là nguồn bệnh để lây sang người khác làm cho nhiều người mắc bệnh, gây nên dịch sốt rét. Phụ nữ có thai mắc sốt rét có thể bị đẻ non, sẩy thai, thai chết lưu,...trẻ em mắc sốt rét dễ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn. Người mắc sốt rét ác tính không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ bị tử vong. Các biện pháp chủ yếu trong phòng chống bệnh sốt rét gồm: Điều trị cho những người mắc bệnh sốt rét (diệt mầm bệnh); Phòng chống muỗi truyền bệnh. Người mắc bệnh sốt rét cần được phát hiện bệnh sớm; Điều trị đúng thuốc, đủ liều, đúng phác đồ quy định; Điều trị cắt cơn kết hợp điều trị chống tái phát, điều trị chống lây lan; Theo dõi và quản lý bệnh nhân: Các bệnh nhân mắc sốt rét sau khi điều trị phải được lấy lam máu theo dõi trong vòng 6 tháng, mỗi tháng lấy lam máu 1 lần. Để phòng, chống bệnh sốt rét có hiệu quả, ngành Y tế khuyến cáo mọi người dân cần thực hiện các biện pháp sau đây: Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi, đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt rét; Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng nhang xua muỗi; Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu, vv...; Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời. Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: Đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.