Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttps://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ tư - 26/03/2025 21:01
Đoàn công tác làm việc tại CDC Cần Thơ
Ngày 25/3/2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ tiếp đoàn công tác của Ban Quản lý Dự án VNM10P03, UNFPA về hỗ trợ triển khai các hoạt động can thiệp hỗ trợ người khuyết tật tại TP Cần Thơ, đặc biệt trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho người khuyết tật. Tham dự tiếp đoàn còn có đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ, Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ, Trung tâm Y tế huyện Cờ Đỏ. Theo Dự án, các hoạt động được triển khai tại Trạm Y tế thị trấn Cờ Đỏ, Trạm Y tế xã Đông Thắng và Trạm Y tế xã Thới Xuân. Các hoạt động bao gồm: Thu thập các thông tin hỗ trợ đánh giá nhanh tại các xã dự án; Đào tạo về Hướng dẫn quốc gia về cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật; Đào tạo cho cán bộ y tế và quản lý (cơ sở y tế công và tư) về chuẩn Hướng dẫn quốc gia; Thiết lập cơ chế làm việc giữa OPD và CDC về giới thiệu, tiếp nhận và chuyển người khuyết tật đến các thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục, bao gồm thảo luận về những cải thiện trong tương lai; Xây dựng và sản xuất các tài liệu về sức khỏe sinh sản (người khuyết tật, cha mẹ, người giám hộ)…
Lãnh đạo CDC Cần Thơ, Khoa Sức khỏe sinh sản và đoàn công tác chụp hình lưu niệm
Được biết, các hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tiếp cận công bằng tới thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương” hợp tác giữ Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hợp quốc do UNFPA viện trợ không hoàn lại giai đoạn 2022-2026. Cần Thơ là đơn vị triển khai các biện pháp can thiệp nhằm tăng cường tiếp cận và sử dụng các thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho người khuyết tật. Tại buổi làm việc tại CDC, đoàn công tác đã trình bày các kết quả đánh giá nhu cầu và thảo luận kế hoạch cho các can thiệp dựa vào đánh giá nhu cầu, các hỗ trợ kỹ thuật từ phía dự án; công tác quản lý… Thời gian qua, người khuyết tật đã được nhà nước, cộng đồng và xã hội quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu tình dục và chăm sóc sức khỏe sinh sản của người khuyết tật nhất là phụ nữ khuyết tật thường gặp những rào cản. Những rào cản đó có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như sự quan tâm của cộng đồng chưa thỏa đáng hay là dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa phù hợp với người khuyết tật, nhất là phụ nữ khuyết tật. Do đó việc can thiệp hỗ trợ nhằm giúp người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục là rất cần thiết.