Đẩy mạnh biện pháp phòng chống bệnh sởi

Thứ ba - 18/03/2025 21:07
Theo Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế, bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, cần bao phủ vắc xin ≥95% với 2 liều vắc xin phòng sởi trong cộng đồng.
Trẻ được tiêm phòng sởi trong Chiến dịch tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào năm 2024
Trẻ được tiêm phòng sởi trong Chiến dịch tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào năm 2024
* 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống bệnh sởi ngày 15/3/2025: từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 38.807 ca nghi sởi trên cả nước, trong đó có 3.447 ca dương tính với sởi tại 61 tỉnh/thành phố; 5 ca tử vong liên quan đến sởi. Trong đó, khu vực miền Nam ghi nhận số ca cao nhất (57%), miền Trung chiếm 19,2%, miền Bắc (15,1%), Tây Nguyên (8,7%).
Số mắc sốt phát ban nghi sởi phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, trong đó chủ yếu là từ 09 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi là 72,7%; tỷ lệ dưới 9 tháng tuổi là 15,3% và là nhóm tuổi chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Số mắc là trẻ nam cao hơn so với trẻ nữ với lần lượt khoảng 55,7% và 44,3%. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.
Lãnh đạo Cục Phòng bệnh nhấn mạnh, trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.
Tuy nhiên, công tác phòng bệnh hiện gặp khó khăn do: Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm vắc xin; chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng. Một bộ phận người dân chủ quan, lơ là, không đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch; hiện tượng người dân “anti vắc xin” hoặc công khai hoặc ngấm ngầm đã xuất hiện nhiều hơn trước đây. Hoạt động giám sát, nhận định, dự báo dịch bệnh, năng lực xét nghiệm tại địa phương còn hạn chế. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế có lúc xảy ra cục bộ. Kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống dịch hàng năm hạn chế, chậm, không kịp thời. Phối hợp liên ngành ở cơ sở hạn chế, chưa thường xuyên liên tục; hoạt động phòng, chống dịch chủ yếu do ngành y tế…
Tại TP Cần Thơ, Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi-Rubella cho trẻ từ 1-10 tuổi và nhân viên y tế nguy cơ cao năm 2024 đạt tỷ lệ 93,82%. Sở Y tế đã phối hợp các cơ quan, tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe. Chuẩn bị, đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp; giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng.
* Đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các biện pháp phòng chống bệnh sởi có thể triển khai bao gồm: Nâng cao miễn dịch cộng đồng; Giám sát phát hiện và quản lý ca bệnh; Kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng; Kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện. Trong đó, tăng cường miễn dịch cộng đồng gồm: Quản lý tốt đối tượng, đặc biệt đối tượng khó tiếp cận ở địa bàn di biến động dân cư, khó tiêm chủng; Chủ động phát hiện vùng lõm, tiến hành tiêm vét, tiêm bổ sung kịp thời; Chủ động tiêm vắc xin cho cán bộ y tế, người lớn không rõ tiền sử, người nguy cơ: trẻ em 6 tháng tuổi du lịch vùng có dịch, người di chuyển nhiều, phụ nữ dự định mang thai và người suy giảm miễn dịch.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh sởi, đặc biệt là những khó khăn trong công tác phòng chống bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị UBND các tỉnh/thành phố ưu tiên bảo đảm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi. Đặc biệt, đối với trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin.
Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng vật tư y tế, dự trữ thuốc và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm chéo sởi tại cơ sở y tế. Đồng thời, thường xuyên đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh sởi, đặc biệt tại các khu vực có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp, để triển khai chiến dịch tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới.
Bộ Y tế nhấn mạnh cần tăng cường trách nhiệm và phối hợp liên ngành trong việc rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng, bảo đảm không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi, đặc biệt tại những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh cần tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tiêm chủng đầy đủ và chủ động phòng ngừa bệnh sởi. Công tác truyền thông cần chính xác, nhanh chóng, kịp thời, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân trong việc đưa trẻ đi tiêm vắc xin và ý thức phòng bệnh.
Khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi
Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần  thực hiện tốt những khuyến cáo sau:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ;
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Nguồn tin: Quỳnh Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập126
  • Hôm nay17,340
  • Tháng hiện tại473,839
  • Tổng lượt truy cập25,084,599
cdc tết nguyên đáng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây