Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttps://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Chủ nhật - 29/09/2024 20:59
Bệnh Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Giải pháp phòng bệnh hữu hiệu và chủ động là tiêm ngừa sởi.
Trước tình hình bệnh sởi đang diễn biến rất phức tạp. Vừa qua, đoàn Sở Y tế TP Cần Thơ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ đi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch tại các quận/huyện,rà soát tiền sử tiêm chủng sởi tại phường Hưng Lợi (quận Ninh Kiều), phường Phú Thứ (quận Cái Răng) và phường Long Hòa (quận Bình Thủy). Qua giám sát, lãnh đạo Sở Y tế cho biết: Đánh giá tình hình bệnh sởi trên địa bàn thành phố đang ở mức trung bình. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra nếu không có các giải pháp chủ động phòng, chống. Ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ cho biết: Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, rất dễ lây. Trong bối cảnh giao thương đi lại thuận tiện, nguy cơ bệnh lây nhanh hơn. Bệnh sởi đang diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, khi có ca sốt phát ban nghi sởi, địa phương cần xử lý như một ca sởi, không chờ chẩn đoán xác định.
Với ổ dịch sởi, ca sởi dương tính, cán bộ trạm y tế cần khai thác tiền sử tiêm chủng sởi, tiền sử tiếp xúc (đi đâu, tiếp xúc với ai) trong vòng 14 ngày. Với những người, hộ gia đình có tiếp xúc với người bệnh, đều phải hướng dẫn khử khuẩn, vệ sinh nhà cửa, thông khí, hạn chế máy lạnh, hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang, tự theo dõi sức khỏe... để hạn chế sự lây lan. Nhằm chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đồng thời chuẩn bị cho chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi, ngày 10/9/2024, Sở Y tế có văn bản số 4022/SYT-NVY về việc thực hiện rà soát đối tượng tiêm chủng bù liều, tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi. Theo đó, Sở Y tế thành phố chỉ đạo Trung tâm Y tế quận, huyện phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể liên quan rà soát tiền sử tiêm chủng sởi đối với trẻ từ 1 đến 10 tuổi (trẻ sinh từ ngày 1/1/2014 đến 31/12/2023) tại cộng đồng và các trường học. Các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn lập danh sách nhân viên y tế có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh sởi hoặc nhân viên y tế thuộc các khoa, phòng điều trị bệnh nặng cần tiêm bổ sung vaccine sởi.
Qua giám sát tại quận Ninh Kiều và rà soát tại các trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học, có 2.045 trẻ chưa tiêm ngừa sởi, 4.447 trẻ tiêm 1 mũi, trên 1.000 trẻ không rõ mũi tiêm. Tại quận Bình Thủy, tính đến ngày 19/9/2024, trạm y tế phối hợp trường học ghi nhận được 3.039 trẻ chưa tiêm sởi đủ liều. Ngoài ra, một số trẻ đang rà soát bổ sung thêm do mất sổ tiêm chủng, cán bộ trạm y tế phải rà soát lại từng trẻ trên sổ và trên phần mềm quản lý tại trạm. Theo Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, việc rà soát tiêm chủng sởi trên địa bàn gặp khó khăn, do thời gian rà soát ngắn, trẻ bị mất sổ, sổ lưu tại trạm y tế không có tên, những trẻ sinh từ năm 2014-2017 hiện không có trên hệ thống; một số người cư trú không cố định... Tại các buổi giám sát, ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, không để sót đối tượng tiêm phòng sởi. Đồng thời, các địa phương cần chủ động chuẩn bị điểm tiêm cố định, lưu động, nhân lực... khi có vắc xin sởi về là tiến hành tiêm ngay. Các trạm y tế phối hợp trường học, chính quyền tăng cường truyền thông các biện pháp phòng bệnh sởi bằng thông điệp ngắn, gọn, dễ hiểu, phát ở khu đông dân cư, trường học vào giờ đưa rước trẻ, học sinh, buổi sinh hoạt đầu năm học với phụ huynh... Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung trẻ mắc sởi; điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong. Rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vắc xin chống dịch, trang thiết bị, nhân lực... Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch dự phòng và ứng phó với dịch bệnh theo các mức độ, quy mô của dịch; ban hành các hướng dẫn, quy trình ứng phó khi có ca bệnh nhiễm, nghi nhiễm đến khám, bao gồm quy trình phân luồng, khám sàng lọc, cách ly, đưa người nhiễm vào khu điều trị, tuân thủ nghiêm các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn.
NHỮNG DẤU HIỆU NHẬN BIẾT MẮC SỞI Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là: có sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.