Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttps://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ sáu - 04/10/2024 03:09
Được tổ chức lần đầu vào năm 1992 theo sáng kiến của Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần thế giới, Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 10/10 với mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ tâm thần. Năm 2024, chủ đề được chọn là: “Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc”. Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hữu cơ giữa sức khỏe tâm thần và công việc, mục tiêu là thu hút tất cả các bên, bao gồm người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức liên quan để vận động, thúc đẩy sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, để sức khỏe tâm thần được ưu tiên, bảo vệ.
Theo thống kê năm 2023, hiện có hơn 60% dân số toàn cầu đang làm việc. Công việc giúp con người có thu nhập, phát triển nhân cách, được thoả mãn nhu cầu tự thể hiện, được kết nối với xung quanh, tạo nên những giá trị cuộc sống. Môi trường làm việc có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm thần của con người, một môi trường an toàn, lành mạnh đóng vai trò là yếu tố bảo vệ sức khỏe tâm thần. Ngược lại, môi trường làm việc không lành mạnh như bị kỳ thị, phân biệt đối xử, bị quấy rối hay điều kiện làm việc tồi tệ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống nói chung và năng suất làm việc.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, vấn đề cấp bách nhất ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần ở nơi làm việc là: mệt mỏi, kiệt sức. Áp lực công việc là động lực có thể giúp con người rèn luyện bản thân, hoàn thiện chính mình; nhưng đôi khi nếu áp lực quá nhiều, bạn có thể cảm thấy mình vô dụng, rơi vào trạng thái tiêu cực. Nhiều người đang phải trải qua những căng thẳng kéo dài mạn tính dẫn đến kiệt sức. Nó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn góp phần vào những hậu quả lớn hơn trong cơ quan, tổ chức. Vì vậy, từ người sử dụng lao động đến người lao động, từ giám đốc, người quản lý đến nhân viên cần chia sẻ trách nhiệm về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc. Mỗi người cần có những cách khác nhau để thư giãn, cải thiện, thay đổi để tăng cường khả năng chống đỡ, hồi phục của cơ thể. Đồng nghiệp cần đoàn kết, hỗ trợ nhau để hạn chế các căng thẳng và tạo ra môi trường làm việc lành mạnh. Giải quyết được tình trạng mất hứng thú, chán nản, thiếu năng lượng làm việc. Tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, khiến người lao động cảm thấy an toàn, khỏe mạnh, giúp người lao động làm việc năng suất, hiệu quả hơn. Điều này mang lại lợi ích cho người lao động, người sử dụng lao động cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Để bảo vệ và thúc đẩy chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, WHO khuyến nghị: + Đào tạo cho quản lý về sức khỏe tâm thần, giúp các nhà quản lý nhận biết và kịp thời hỗ trợ những người đang gặp khó khăn cảm xúc; phát triển các kỹ năng giao tiếp như: giao tiếp cởi mở và lắng nghe tích cực; tăng cường hiểu biết về cách các yếu tố gây căng thẳng trong công việc, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và cách quản lý chúng. + Đào tạo người lao động về kiến thức và nhận thức về sức khỏe tâm thần, để nâng cao hiểu biết và giảm kỳ thị đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc. + Các can thiệp cá nhân nhằm giúp người lao động phát triển kỹ năng quản lý căng thẳng và giảm các triệu chứng sức khỏe tâm thần, bao gồm: can thiệp tâm lý xã hội và các hoạt động thể chất giải trí.
Nhân viên y tế và sức khỏe tâm thần Nhân viên y tế, những lực lượng thiết yếu trong công cuộc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng đã và đang đối mặt hàng ngày với những áp lực, rủi ro, căng thẳng, thách thức trong công việc. Đại dịch COVID-19 đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhân viên y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, điều kiện làm việc đầy thử thách, những tình huống khó xử về mặt đạo đức và môi trường làm việc căng thẳng là những yếu tố làm tăng khả năng mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế. Theo WHO, mức độ làm việc với cường độ cao dễ dẫn đến những căng thẳng, kiệt sức, ảnh hưởng đến lực lượng lao động y tế. Đây là tình trạng hiện tại của các hệ thống y tế. Hiện nay, hệ thống y tế đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên, lương thấp, điều kiện làm việc không đầy đủ và không an toàn, môi trường làm việc căng thẳng và thiếu các biện pháp bảo vệ cần thiết tại nơi làm việc. Theo báo cáo, từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2022, có ít nhất 1/4 số nhân viên y tế có các triệu chứng như: lo lắng, trầm cảm và kiệt sức; và không có sự giảm đáng kể nào được ghi nhận kể từ năm 2022. Với đặc thù nghề nghiệp, nhân viên y tế thường phải đối mặt với áp lực công việc, dẫn đến kiệt quệ về thể chất và tinh thần. Theo một khảo sát được thực hiện tại Bệnh viện Hùng Vương vào cuối năm 2021, trên 466 nhân viên y tế thì gần 1/4 nhân viên có biểu hiện trầm cảm và gần 1/2 có biểu hiện lo âu. Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần, mà còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học tập và hiểu được cảm xúc và phản ứng của người khác. Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và với môi trường bên ngoài. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này. Những chính sách, giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế là vấn đề cấp thiết, giúp bảo vệ sức khỏe của các nhân viên y tế - những người chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.