Hưởng ứng Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024 (1-7/8): “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương”

Chủ nhật - 28/07/2024 21:00
Từ năm 1992, Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ được các quốc gia tổ chức thường niên từ ngày 1/8 - 7/8 nhằm khuyến khích, tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện sức khỏe của trẻ sơ sinh trên toàn thế giới. Trải qua 32 năm hình thành và phát triển, Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ (World Breastfeeding Week) đã trở thành một sự kiện thường niên quan trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, với mục đích khuyến khích các bà mẹ cho con bú và cải thiện sức khỏe của trẻ sơ sinh trên khắp thế giới.
Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé
Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé
Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 1/8 - 7/8/2024 với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương”. Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm nay tập trung đẩy mạnh hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, đặc biệt tập trung vào hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong các tình huống khẩn cấp để không một bà mẹ nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những bà mẹ dễ bị tổn thương, những người có thể cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên không những tốt cho sự phát triển của trẻ mà còn bảo vệ sức khỏe của bà mẹ, đồng thời giúp cho việc gắn bó tình cảm mẹ con.
* Lợi ích của sữa mẹ đối với trẻ
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ có đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ, bao gồm chất đường, chất béo, chất đạm, vitamin khoáng chất và nước với nồng độ cần thiết cho trẻ.
Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể mà trẻ cần, giúp phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn ở đường ruột, hô hấp; các bệnh ở tai, mũi, họng; phòng chống dị ứng, hen suyễn; sữa mẹ làm giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường. Sữa mẹ còn có vai trò giúp phát triển hệ miễn dịch tự nhiên của bé bằng cách tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, giúp diệt trừ các vi khuẩn có hại từ đó đẩy lùi nguy cơ nhiễm trùng.
Trong sữa mẹ tỉ lệ giữa các axit amin, các loại axit béo, các vitamin và khoáng chất rất phù hợp cho sự phát triển của hệ thần kinh và thị giác của trẻ.
Đồng thời trẻ được bú mẹ, được nằm trong vòng tay yêu thương của người mẹ, được gần gũi, âu yếm, được nói chuyện với mẹ sẽ giúp bé phát triển nhận thức, tâm thần tốt. Ngược lại, không bú mẹ, trẻ bị cách ly, không có cảm giác bình an, hay khóc và về sau phát triển nhận thức, tâm thần kém hơn.
Tỷ lệ giữa các khoáng chất canxi, phôtpho và magiê có trong sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển hệ xương của trẻ. Những yếu tố này có tác động rất lớn tới sự phát triển bền vững lâu dài của hệ xương cho tới khi về già.
Bên cạnh đó, những trẻ được bú mẹ rất ít bị mắc các khuyết tật về phát âm, vì việc bú mẹ giúp bé phát triển đồng bộ hệ cơ xương ổ miệng và má.
Trẻ được bú mẹ sớm, sẽ tạo được phản xạ mút vú, tống phân su sớm, giảm vàng da sau sinh.
Đối với trẻ sinh thiếu tháng, được nuôi bằng sữa mẹ sẽ phát triển hơn những trẻ được nuôi bằng sữa công thức.
Trẻ sinh ra không được bú mẹ trong 06 tháng đầu có tỉ lệ tử vong cao hơn 14 lần so với trẻ được bú mẹ. Vì vậy, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu, được coi là liều vắc xin hiệu nghiệm cho cơ thể non yếu của trẻ.
Như vậy, sữa mẹ sẽ giúp bé tăng trưởng tốt và phát triển toàn diện về thể chất, tâm thần và trí tuệ của trẻ. Về mặt lâu dài, lúc trưởng thành ít nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như béo phì, huyết áp, tiểu đường, tim mạch... mà những trẻ bú sữa bột, sữa công thức thường gặp.
* Lợi ích với mẹ khi cho con bú
Nuôi con bằng sữa mẹ cung cấp một khoảng thời gian đặc biệt giúp bạn và con gần gũi, tăng cường sự gắn bó giữa mẹ và con. Khi em bé đang khóc, cho con bú sữa mẹ sẽ làm cho em bé dễ chịu và dễ dỗ dành hơn.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tiết kiệm thời gian: Sữa mẹ luôn sẵn sàng, sạch và ở nhiệt độ thích hợp. Điều này dễ dàng hơn khi bạn cho con ăn đêm và khi đi du lịch.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp kiểm soát việc chảy máu của mẹ sau khi sinh, giảm thiểu nguy cơ ung thư vú và buồng trứng; giảm thiểu nguy cơ mẹ bị đái tháo đường tuýp 2 sau này.
Khi cho con bú sẽ kích thích cơ thể giải phóng hormone Oxytocin khiến tử cung co rút và trở lại kích thước bình thường nhanh hơn. Đồng thời nuôi con bằng sữa mẹ giúp các bà mẹ quay trở lại cân nặng trước khi mang thai nhanh hơn.
* Nuôi con bằng sữa mẹ còn tốt cho gia đình và cộng đồng
Khi nuôi con bằng sữa mẹ bạn không phải mất tiền mua sữa, mua bình sữa hay dụng cụ pha sữa… Do đó, nuôi con bằng sữa mẹ không tạo ra ô nhiễm, bao gói và chất thải dư thừa.
Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm chi phí chăm sóc sức khoẻ, trẻ sơ sinh ít ốm, do vậy ít phải đi bác sĩ và bệnh viện. Đồng thời, làm giảm số ngày phụ huynh phải dùng để chăm sóc trẻ em bị bệnh ở nhà…
* Để có đủ sữa cho con bú, bà mẹ cần thực hiện những biện pháp sau:
Trong giai đoạn mang thai:
Người mẹ cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, giúp người mẹ tăng cân tốt (10-12kg), đó là nguồn dự trữ mỡ để sản xuất sữa sau khi sinh.
Có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái.
Giai đoạn cho con bú:
Người mẹ cần phải ăn đủ, uống đủ, ngủ đủ giấc. Khẩu phần ăn cần cao hơn mức bình thường.
Nên ăn thêm quả chín để có đủ vitamin. Các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ hoặc vừng rang muối giã nhỏ ăn với xôi có tác dụng kích thích bài tiết sữa.
Nên hạn chế các thức ăn gia vị như ớt, hành, tỏi vì nó qua sữa gây mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.
Người mẹ cho con bú nên uống nhiều nước nhất là cháo, nước hoa quả, sữa... (mỗi ngày khoảng 1,5-2 lít).
Khi cho con bú, nên hạn chế dùng thuốc vì một số thuốc có thể qua sữa gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa. Việc dùng thuốc phải có sự tư vấn của thầy thuốc.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Các bà mẹ hãy cho trẻ bú sớm ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi.

* 3 khuyến nghị từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

1. Tất cả các bà mẹ cần được hỗ trợ để bắt đầu cho con bú càng sớm càng tốt, trong giờ đầu tiên sau khi sinh. Đồng thời các bà mẹ cần nhận được sự hỗ trợ thiết thực để có thể bắt đầu thực hành việc cho con bú và kiểm soát được những khó khăn chung khi cho con bú.
2. Cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
3. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi hoặc hơn, kèm ăn bổ sung dinh dưỡng và an toàn cho trẻ.

Nguồn tin: BSCKI. Trần Thị Thu Hồng - Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản – CDC Cần Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm57
  • Hôm nay15,278
  • Tháng hiện tại49,617
  • Tổng lượt truy cập23,305,952
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây