Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra; thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về phát triển bền vững đến năm 2030. Đổng thời để bảo đảm quyền được sống, làm việc và học tập trong môi trường không khói thuốc lá của người dân.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2023 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030; trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành; Đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát; Kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới phòng, chống tác hại của thuốc lá; Chủ động, tích cực hội nhập và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá; tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các chính phủ, tổ chức quốc tế…
Để đảm bảo việc tổ chức thực hiện Chiến lược, Thủ tướng đã phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan liên quan. Trong đó, Bộ Y tế được giao là đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức thực hiện Chiến lược; Các Bộ, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược theo các chức năng, nhiệm vụ được phân công; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chiến lược trong thẩm quyền quản lý… các cơ quan truyền thông đại chúng thường xuyên tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, các nội dung của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.