Phòng, chống các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người

Thứ hai - 22/04/2024 03:39
Hơn 20 năm qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra trên toàn thế giới, như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A (H5N1), đại dịch cúm A (H1N1), MERS-CoV, Ebola và gần đây nhất là đại dịch COVID-19. Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế, xã hội của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy có hơn 70% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Ảnh minh họa
Nhiều nghiên cứu cho thấy có hơn 70% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Ảnh minh họa
Khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm là lây truyền từ động vật sang người
Trong các bệnh lây truyền từ động vật sang người, cúm gia cầm và bệnh dại thuộc 05 bệnh truyền nhiễm ưu tiên theo Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013. Với cúm A(H5N1), sau 08 năm kể từ năm 2014 không ghi nhận ca mắc mới, thì trong tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Đối với bệnh dại, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp; từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ.
TANG CUONG PHONG BENH DAI 2
Người dân đến tiêm vắc xin ngừa bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ.

Phát biểu tại “Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024” diễn ra vào sáng 27/3/2024, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, với nguồn bệnh lây truyền từ động vật, việc kiểm soát nguồn lây khó khăn nên công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên; đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban, ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.
Cũng tại hội nghị này, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời huy động nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây từ động vật sang người, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn.

Bệnh dại đang diễn biến phức tạp
Bệnh dại rất nguy hiểm, bệnh lây truyền từ động vật sang người do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).
Theo báo cáo của Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023, cả nước xảy ra 347 ca bệnh dại trên động vật (tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022). Số ca bệnh dại trên động vật được phát hiện nhiều nhất tại tỉnh Phú Thọ (54 ca), Quảng Ninh (38 ca) và Cà Mau (41 ca).
TANG CUONG PHONG BENH DAI 3
Nuôi chó phải xích, nhốt, không để chó chạy rông bên ngoài.

Theo báo cáo ngành Y tế, năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 trường hợp so với năm 2022), nhiều nhất là tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên. Từ đầu năm 2024 đến ngày 24/3/2024, cả nước đã xảy ra 27 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại đã trên 100.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).
Tại TP Cần Thơ, từ năm 2022 đến nay không ghi nhận động vật mắc bệnh dại hay nghi bị dại. Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, số lượt người bị chó, mèo cào, cắn (gồm: TP Cần Thơ và tỉnh, thành lân cận) đến tiêm dự phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại năm 2023 ghi nhận 16.772 lượt người; riêng từ đầu năm đến tháng 2/2024, thành phố Cần Thơ ghi nhận 3.407 lượt người tiêm phòng dại. Tuy nhiên không ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại và tử vong trên người.
Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định. Công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo, có nơi chỉ đạt khoảng 10%. Bên cạnh đó, không tiêm phòng huyết thanh kháng dại, vắc xin phòng dại kịp thời sau khi bị động vật nghi dại cắn hoặc tự chữa trị bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tại Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh dại là do đàn chó nuôi không được tiêm phòng dại triệt để, hiện tượng chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm và cắn người ở nơi công cộng vẫn phổ biến làm cho số người bị chó cắn tăng cao, nhiều người bị chó cắn đã chủ quan không đến cơ sở y tế tiêm phòng, bị phát bệnh dại và tử vong. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm, không để chó chạy rông bên ngoài và không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi. Tại các đô thị, nơi đông dân cư, nuôi chó phải đăng ký với địa phương.
Khuyến cáo phòng chống bệnh dại
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để phòng chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
- Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.
- Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
- Khi bị chó, mèo cắn cần:
+ Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
+ Vết thương cần được rửa sạch với bằng cồn sát khuẩn thông thường, Povidine…
+ Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
+ Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
+ Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.
Tiêm ngừa vắc xin dại là biện pháp duy nhất phòng tránh được tử vong do bệnh dại. Nuôi chó, mèo là việc riêng của mỗi gia đình nhưng người nuôi phải có ý thức tiêm phòng cho chó, mèo nuôi; nhốt cẩn thận, tránh gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hãy cùng chung tay loại trừ bệnh dại!
 

 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Đỗ Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập141
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm134
  • Hôm nay19,719
  • Tháng hiện tại315,470
  • Tổng lượt truy cập23,092,197
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây