Có 4 loại vi-rút cúm mùa chính: cúm A, B, C và D. Vi-rút cúm A và cúm B thường lưu hành và gây ra dịch cúm theo mùa.
Vi-rút cúm A được phân loại thành nhiều phân týp dựa theo sự kết hợp giữa kháng nguyên ngưng kết hồng cầu Hemagglutinin (H) và Neuraminidase (N) là các protein chính trên bề mặt của vi-rút. Các phân týp đang lưu hành ở người là cúm A(H1N1) và A(H3N2). Vi-rút cúm A(H1N1) còn được viết là A(H1N1)pdm09 vì nó là nhân tố gây nên đại dịch cúm vào năm 2009, và rồi sau đó thay thế loại vi-rút cúm mùa A(N1N1) đã lưu hành trước năm 2009. Chỉ có các loại vi-rút cúm A được biết đến như là nhân tố gây ra đại dịch.
Vi-rút cúm B thì không được chia thành các phân týp, tuy nhiên nó có thể được chia làm 2 dòng. Vi-rút cúm B đang lưu hành hiện nay thuộc 1 trong 2 dòng là dòng B/Yamagata hoặc dòng B/Victoria.
Vi-rút cúm C thì không phổ biến lắm và thường chỉ gây ra nhiễm trùng nhẹ, do đó không gây ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe cộng đồng.
Vi-rút cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và chưa được xác nhận gây bệnh ở người.
Cúm mùa thường đặc trưng bởi một số triệu chứng như: sốt cao đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, khó chịu trong người, đau họng và sổ mũi. Cơn ho có thể trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn 2 tuần. Hầu hết người bệnh sẽ hồi phục, hết sốt và 1 số triệu chứng khác trong vòng một tuần mà không cần điều trị. Nhưng bệnh cúm có thể diễn biến nặng, thậm chí là tử vong đối với các đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao (xem các nội dung bên dưới).
Bệnh cúm có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể tử vong. Số ca mắc cúm phải nhập viện và tử vong thường xảy ra chủ yếu ở các đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao.Trên thế giới, hằng năm những mùa dịch cúm ước tính có khoảng 3 đến 5 triệu ca mắc cúm nặng và khoảng 290,000 đến 650,000 ca tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp.
Ở các nước công nghiệp hóa, hầu hết các ca tử vong do cúm thường tập trung vào đối tượng 65 tuổi trở lên (1). Những đại dịch cúm thường ảnh hưởng đến số ngày chấm công của công nhân/ số ngày vắng mặt ở trường học và làm giảm năng suất lao động. Các phòng khám và bệnh viện có khả năng bị quá tải trong cao điểm của dịch bệnh.
Ảnh hưởng của dịch bệnh cúm mùa ở các nước đang phát triển chưa được thống kê một cách rõ ràng, tuy nhiên các nghiên cứu ước tính thấy có đến 99% số ca tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp dưới liên quan đến bệnh cúm ở trẻ em dưới 5 tuổi được phát hiện tại các nước đang phát triển (2).
Tất cả mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc bệnh cúm, tuy nhiên có những nhóm có nguy cơ cao hơn những nhóm khác.
Những đối tượng có nguy cơ gánh chịu những biến chứng nặng của cúm là: phụ nữ có thai, trẻ em dưới 59 tháng tuổi, người già, người mắc bệnh mãn tính (như tim, phổi, thận, thần kinh, bệnh chuyển hóa mãn tính, bệnh gan hoặc bệnh lý huyết học) và các đối tượng có tình trạng suy giảm miễn dịch (bệnh nhân HIV/ AIDS, đang hóa trị liệu hoặc dùng steroids, bệnh nhân có bệnh lý ác tính)
Các nhân viên y tế cũng là đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao do khả năng phơi nhiễm với bệnh nhân và có nguy cơ lây lan cúm cho các bệnh nhân khác.
Cúm mùa có thể lây lan từ người sang người rất nhanh chóng qua đường hô hấp, đặc biệt có thể lây lan rất nhanh ở những khu vực đông đúc như trường học & viện dưỡng lão. Khi một người bị nhiễm cúm ho hoặc hắt hơi, các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng có chứa vi-rút (các giọt truyền nhiễm) được phát tán vào không khí và có thể lan rộng ra đến 1 mét, lây nhiễm cho những ai ở gần và hít phải những giọt truyền nhiễm này. Vi-rút cũng có thể lây lan rất nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp. Để ngăn ngừa việc lây lan bệnh, mọi người nên che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho, và thường xuyên rửa tay thật sạch.
Ở các vùng khí hậu ôn đới, cao điểm của dịch bệnh cúm mùa thường diễn ra ở giai đoạn mùa đông, trong khi ở các vùng khí hậu nhiệt đới, cúm mùa có thể diễn ra quanh năm, dẫn đến tình hình dịch bệnh bùng nổ bất thường hơn.
Thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi phát bệnh được gọi là thời gian ủ bệnh, thường kéo dài khoảng 2 ngày, nhưng cũng có thể dao động từ 1-4 ngày.
Phần lớn các trường hợp mắc cúm ở người thường được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn thấp điểm của cúm và ngoài thời gian cao điểm của bệnh cúm, sự lây nhiễm của các loại vi-rút đường hô hấp khác như: vi-rút cảm lạnh, vi-rút hợp bào hô hấp, vi-rút viêm họng do parainfluenza và Adeno cũng có thể có những biểu hiện tương tự với bệnh cúm (ILI) khiến cho việc phân biệt triệu chứng lâm sàng của cúm so với các bệnh khác trở nên khó khăn hơn.
Việc thu thập các mẫu bệnh phẩm hô hấp thích hợp và ứng dụng các xét nghiệm chẩn đoán trong phòng thí nghiệm là rất cần thiết để xác định các tiêu chí chẩn đoán. Việc thu thập, lưu trữ và vận chuyển đúng các mẫu bệnh phẩm hô hấp là bước đầu tiên để có thể phát hiện việc nhiễm vi-rút cúm trong phòng thí nghiệm. Xét nghiệm để xác định vi-rút cúm từ họng, mũi và các chất tiết mũi họng, hút hoặc rửa khí quản thường được thực hiện trong phòng thí nghiệm bằng cách xác định các kháng nguyên trực tiếp, phân lập vi-rút hoặc phát hiện phân tử RNA đặc hiệu của cúm bằng phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR). Nhiều hướng dẫn khác nhau về các kỹ thuật sử dụng trong phòng thí nghiệm đã được WHO công bố và cập nhật (3).
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh cúm một cách nhanh chóng (RIDTs) được sử dụng trong các cơ sở lâm sàng, nhưng chúng thường có độ nhạy thấp hơn so với các phương pháp RT-PCR và độ tin cậy của chúng phần lớn thường phụ thuộc vào các điều kiện khác khi sử dụng.
Các bệnh nhân không nằm trong nhóm nguy cơ cao chỉ cần điều trị triệu chứng và được khuyến cáo ở nhà khi có triệu chứng để giảm thiểu nguy cơ lây lan cho cộng đồng. Tập trung vào việc điều trị làm giảm các triệu chứng của cúm như sốt cao. Bệnh nhân nên tự theo dõi xem tình trạng bệnh của mình có xấu đi không và liệu có cần được chăm sóc y tế. Đối với những bệnh nhân nằm trong nhóm có nguy cơ cao diễn tiến nặng hay có biến chứng (xem các nhóm ở trên) cần được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút sớm nhất có thể bên cạnh việc điều trị triệu chứng.
Các bệnh nhân có bệnh nặng hay đang tiến triển nếu có kèm chẩn đoán nghi ngờ hoặc đã xác nhận bị nhiễm vi-rút cúm (hội chứng viêm phổi, nhiễm trùng huyết hoặc đợt kịch phát các bệnh mãn tính có sẵn khác) cần được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút càng sớm càng tốt (thuốc ức chế neuraminidase; ví dụ oseltamivir).
Cách hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm là tiêm ngừa. Vắc-xin cúm được chứng minh là dược phẩm an toàn và hiệu quả, đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua. Miễn dịch của vắc-xin chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian, do đó, cần tiêm ngừa hằng năm để có thể ngăn ngừa bệnh cúm một cách tốt nhất. Vắc-xin cúm bất hoạt dùng đường tiêm là loại vắc-xin được sử dụng phổ biến nhất trên toàn thế giới.
Đối với những người trưởng thành khỏe mạnh, vắc-xin cúm có thể giúp bảo vệ cơ thể ngay cả khi loại vi-rút cúm lưu hành không khớp với loại vi-rút có trong vắc-xin. Tuy nhiên, đối với những người già, dù vắc-xin cúm có thể mang đến hiệu quả bảo vệ thấp hơn, nhưng nó có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và giảm sự ảnh hưởng nghiêm trọng của các biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong do cúm. Việc tiêm vắc-xin đặc biệt quan trọng đối với những đối tượng có nguy cơ cao bị các biến chứng nặng của cúm và cả cho những người sống cùng hoặc chăm sóc cho các đối tượng đó.
Phụ nữ có thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.
Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi.
Người già trên 65 tuổi.
Những người có sẵn bệnh mãn tính.
Các nhân viên y tế
Vắc-xin cúm có thể đạt hiệu quả bảo vệ cao nhất khi chủng vi-rút cúm lưu hành trong năm đó trùng với chủng vi-rút có trong vắc-xin. Do tính chất vi-rút cúm luôn có sự biến đổi liên tục hằng năm, Hệ thống giám sát và ứng phó với cúm toàn cầu của WHO (GISRS) - một hệ thống của Trung tâm phòng cúm quốc gia và Trung tâm cộng tác của WHO trên thế giới - phải liên tục theo dõi sự biến đổi của các chủng vi-rút cúm đang lưu hành ở người để cập nhật các thành phần của chủng vắc-xin cúm 2 lần/ năm.
Ngoài việc tiêm phòng và điều trị bằng thuốc kháng vi-rút, các biện pháp bảo vệ cá nhân sau cũng được khuyến nghị:
Rửa tay thường xuyên và lau khô tay đúng cách.
Vệ sinh đường hô hấp tốt - che mũi và miệng mỗi khi ho hoặc hắt hơi, sử dụng khăn giấy và vứt đúng cách sau khi sử dụng.
Chủ động cách ly đối với những đối tượng nghi ngờ có các triệu chứng giống cúm.
Hạn chế tiếp xúc gần gũi với người bị mắc cúm.
Hạn chế dùng tay chạm trực tiếp vào mắt, mũi hoặc miệng.
Tham khảo:
Bảng giá gói vắc xin dịch vụ - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ
Lịch tiêm ngừa vắc xin cho mọi lứa tuổi
Danh sách vắc xin dịch vụ và bảng giá tại Trung tâm
Link bài viết chi tiết : HỘI Y HỌC DỰ PHÒNG VIỆT NAM
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn