Thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường và sử dụng nước sạch để bảo vệ sức khỏe

Chủ nhật - 05/11/2023 22:22
Nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường là 3 thành tố quan trọng để thực hành vệ sinh, bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh. Sử dụng tiết kiệm, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, chú trọng vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường là những công việc cần thực hiện thường xuyên và liên tục.
Nước sạch sử dụng trong sinh hoạt là nước đã qua xử lý, có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người.
Nước sạch sử dụng trong sinh hoạt là nước đã qua xử lý, có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người.
* Ảnh hưởng của nước sạch đối với sức khỏe
Theo báo cáo Tổng hợp kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch năm 2022 và báo cáo Nhà tiêu hộ gia đình năm 2022 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ, nguồn nước sinh hoạt của người dân tại TP Cần Thơ chủ yếu là nước máy. Tỷ lệ hộ gia đình được cung cấp nước sạch: 98% tại đô thị và 85,5% tại nông thôn. Nguồn nước tưới tiêu chủ yếu của người dân là nước sông hồ.
Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Tài, cán bộ Khoa Sức khỏe môi trường – Bệnh nghề nghiệp – Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ: Nước sạch sử dụng trong sinh hoạt là nước đã qua xử lý, có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người. Thiếu nước sạch hoặc nguồn nước sạch bị ô nhiễm và các thói quen vệ sinh chưa đúng sẽ làm phát sinh và lây truyền bệnh, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Nếu sử dụng nguồn nước không đảm bảo, có nhiễm các vi sinh vật sẽ gây bệnh qua đường tiêu hóa như: tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng, viêm gan A… hoặc nhiễm các loại giun, sán, gây ra thiếu máu, suy dinh dưỡng; mắc các bệnh về da, mắt, bệnh phụ khoa... Nguồn nước từ sông hồ thường có các độc chất như thuốc bảo vệ thực vật có thể gây nhiễm độc.
BAI NUOC SACH 0002
Nhân viên Khoa Sức khỏe môi trường – Bệnh nghề nghiệp – Y tế trường học, CDC TP Cần Thơ lấy mẫu nước tại Hệ thống cấp nước tập trung tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ.

Theo điều tra của Bộ Y tế, giai đoạn 2013-2017 tỷ lệ nhiễm giun ở Đồng bằng sông Cửu Long là 10%. Đối tượng nhiễm cao là học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non và phụ nữ tuổi sinh sản. Thiếu nước sạch và vệ sinh cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe của trẻ em. Theo số liệu tổng điều tra dinh dưỡng của Bộ Y tế năm 2019-2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ từ 5 - 19 tuổi là 14,8%.
Bác sĩ Lê Nguyễn Nhật Minh, cán bộ Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm – Kiểm dịch Y tế quốc tế, CDC Cần Thơ cũng cho biết: Sử dụng nước không sạch gây nhiều bệnh cho con người. Trẻ em nếu mắc bệnh có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập; một số bệnh nặng như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, tả, lỵ, thương hàn... có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Khi mắc bệnh thì gia đình phải tốn tiền điều trị và thời gian để chăm sóc. Ngoài ra, người lớn mắc bệnh ảnh hưởng đến năng suất lao động và kinh tế của gia đình.
* Tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước, vệ sinh môi trường
Để nhận biết nguồn nước sạch sử dụng thì nước phải trong, không có màu lạ, không có mùi vị lạ; đồng thời phải biết được nguồn của nước là nước máy, nước giếng, nước mưa hay nước đã qua xử lý. Hiện nay, nước máy là nguổn nước sạch, đảm bảo an toàn và được khuyến cáo sử dụng.
BAI NUOC SACH 0003
Nhân viên Hệ thống cấp nước tập trung tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ thực hiện kiểm tra Clo dư trong nước.

Tuy nhiên, nước máy lại tập trung nhiều ở thành thị. Còn ở vùng nông thôn, vùng xa khu dân cư, các hộ gia đình có thể lựa chọn các nguồn nước như: nước giếng khoan, giếng đào, nước mưa... Giếng khoan, giếng đào phải nằm cách xa nhà tiêu, chuồng gia súc hoặc nguồn gây ô nhiễm khác ít nhất 10 mét; sân giếng phải được xây bằng gạch, đá, đổ bê tông, không bị nứt để tránh nước đã qua sử dụng ngấm trực tiếp ngay xuống giếng. Nước mưa được thu hứng sau khi bắt đầu mưa khoảng 30 phút. Nước mưa thu hứng từ mái fibro- xi măng có chất amiăng có thể gây ung thư, khuyến cáo không được dùng, và không được xếp vào loại nước sạch. Biện pháp xử lý nước đơn giản như: Làm trong nước phèn chua hoặc vải lọc; Khử khuẩn nước bằng viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg, đun sôi nước, sử dụng các thiết bị lọc nước
Bác sĩ Nguyễn Tấn Tài cho biết: viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong. Lưu ý là: Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được. Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo. Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi nồng.
“Để có nước sạch sử dụng lâu dài, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ và giữ gìn nguồn tài nguyên nước. Bắt đầu từ những hành động tiết kiệm nước sạch như: không lạm dụng việc xả bồn cầu trong nhà vệ sinh, hãy tắt vòi nước khi đang đánh răng; kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây… Bên cạnh đó, mỗi người dân cần ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi, thu gom xử lý rác thải đúng nơi quy định, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không sử dụng nhà tiêu ao cá... Cần tuyên truyền vận động người dân cùng chung tay để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn tài nguyên nước” – bác sĩ Tài khuyến cáo.
Được biết, từ tháng 6 – 11 năm 2023, CDC Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Y tế các quận/huyện: Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Phong Điền và Cờ Đỏ, triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi về sử dụng nước sạch, xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường tại cộng đồng. Qua đó, cán bộ Trung tâm Y tế, trạm y tế và cộng tác viên của 4 quận/huyện trên được tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông, quản lý, giám sát. Tăng cường vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh nhà, có thói quen tốt như rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chăm sóc trẻ, người bệnh. Biết sử dụng và tiết kiệm nước sạch trong chế biến, sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn, xử lý rác đúng quy định; sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh.

Nguồn tin: Thiên Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay20,687
  • Tháng hiện tại404,301
  • Tổng lượt truy cập23,181,028
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây