Ngoài ra, trẻ cũng là đối tượng hay đưa tay, đồ chơi vào miệng, khiến vi rút dễ xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết. Bệnh phát triển rất nhanh và gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc. Chính vì lẽ đó nếu trẻ có sức đề kháng yếu dễ mắc bệnh và có thể có nguy cơ biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện muộn, chăm sóc không đúng.
Khi nhận thấy bé có những dấu hiệu sau đây, nên đưa đi nhập viện càng sớm càng tốt: Giật mình chới với (thường khi bắt đầu thiu thiu ngủ); Ngủ nhiều, li bì; Run tứ chi, đi đứng loạng choạng, yếu tay, yếu chân.
Nếu trẻ có những biểu hiện sau đây, cần được nhập viện gấp và theo dõi sát: Thở mệt; Khóc khan; Da nổi bông, lạnh tứ chi; Mạch nhanh; Huyết áp cao.
Trẻ bị tay chân miệng rất dễ phát tán vi rút cho những người xung quanh, do đó nên cho trẻ nghỉ học trong khoảng 10 ngày, hạn chế tiếp xúc với các trẻ khỏe mạnh khi ở chung nhà vì bệnh rất dễ lây lan giữa các trẻ. Hiện nay để phòng ngừa dịch tay chân miệng do tác nhân enterovirus 71 gây ra (tác nhân chủ yếu dẫn đến biến chứng tay chân miệng), cần bảo đảm vệ sinh khi cho trẻ ăn uống, vui chơi và sinh hoạt.
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng ngừa. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân như: thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao.
Bệnh nhân cần có chế độ ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh nhiễm thêm các loại vi rút khác. Chính vì vậy nếu phát hiện muộn, chăm sóc không đúng có thể khiến bệnh nặng hoặc có biến chứng nguy hiểm.