Bệnh cúm A(H5N1) do vi rút cúm týp A(H5N1), phân týp H5N1 gây nên. Hiện nay bệnh lây sang người chủ yếu qua gia cầm nhiễm bệnh. Gia cầm được hiểu là thú nuôi lông vũ gồm: gà, vịt, ngỗng, chim; ngoài ra, bệnh còn có thể có ở chim di cư, chim tự nhiên, heo.
Vi rút có thể sống trong phân chim, gia cầm nhiều ngày ở môi trường tự nhiên, nếu là môi trường lạnh thì chúng càng sống lâu, vì vậy việc bảo quản sản phẩm gia cầm chưa qua nấu nướng trong tủ lạnh là không an toàn. Tuy nhiên vi rút bị chết ở nhiệt độ trên 70 độ C, vì thế, chúng ta phải nấu chín kỹ thịt, trứng gia cầm mới được ăn.
Vi rút cúm lây từ gia cầm sang người qua dịch tiết mũi họng, dịch cơ thể (máu, dịch phổi...) và phân. Vì vậy, các hành vi sau đây là các hành vi nguy cơ có thể lây nhiễm đã được chứng minh qua các ca bệnh vừa qua:
- Giết mổ gia cầm bệnh hoặc chết.
- Chơi gà đá, “tiếp nước” cho gà đá hoặc buôn bán, ôm gà, vịt
- Ăn tiết canh vịt.
- Ăn thịt gia cầm chưa nấu chín.
- Uống phải nước nhiễm phân gà, vịt khi bơi lội ở nơi có vịt chạy đồng hoặc nơi có vứt xác gà, vịt bệnh xuống sông.
- Hít phải hoặc bị bắn vào mắt nước nhiễm bẩn.
- Tay nhiễm bẩn: do tiếp xúc chất thải, chất tiết của gà, vịt bệnh, qua vật dụng làm gà, vịt chưa được rửa sạch bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn khác.
- Sử dụng phân gà làm phân bón trong trồng trọt.
Để phòng bệnh cúm A(H5N1) lây sang người, cần thực hiện những biện pháp lớn sau:
- Ngăn chặn sự lây vi rút từ chim di cư sang gia cầm.
- Không chế dịch cúm trên gia cầm: tiêu hủy, kiểm dịch...
- Vệ sinh chuồng trại, tiêm ngừa vắc xin.
- Ngăn chặn sự lây lan từ gia cầm sang người.
- Phòng ngừa lây lan từ người sang người.
Để phòng bệnh cúm gia cầm lây sang người tại hộ gia đình, cần thực hiện những biện pháp cụ thể sau:
1. Khi có gia cầm bệnh hoặc chết, cần báo ngay cho cơ quan chức năng ở địa phương (UBND xã/phường, cán bộ thú y, trạm y tế).
2. Tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng, tiếp xúc gần với gia cầm hoặc sản phẩm gia cầm bệnh hoặc nghi bệnh.
Khi giết mổ, chế biến thịt, trứng gia cầm cần lưu ý:
- Sử dụng thịt, trứng gia cầm đã qua kiểm dịch.
- Sau khi giết mổ, chế biến cần rửa sạch: tay, dụng cụ chế biến (dao, thớt, tô đựng...), khu vực giết mổ bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn khác.
- Nấu chín kỹ thịt, trứng gia cầm.
3. Khi có người sốt cao, ho, đau họng, nhức đầu, mệt mỏi, khó thở... mà có sự tiếp xúc với gia cầm trước đó thì đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, đồng thời thông báo ngay cho cán bộ y tế biết về sự tiếp xúc với gia cầm trước đó của mình.
4. Thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại bằng chloramine B hoặc các chất khử khuẩn khác.