Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh dại bằng cách tiêm ngừa vắc xin

Thứ hai - 28/07/2025 05:15
Người bị phơi nhiễm với động vật bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cần thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc xin/huyết thanh kháng dại.
Người bị phơi nhiễm với động vật bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cần thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc xin/huyết thanh kháng dại.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh dại là nguyên nhân gây khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở Việt Nam do chó dại cắn. Khi đã có biểu hiện của cơn dại thì bệnh nhân gần như sẽ tử vong. Ngành Y tế TP Cần Thơ khuyến cáo tăng cường biện pháp phòng chống bệnh dại.
Bệnh dại là bệnh truyền lây từ động vật sang người do vi rút gây ra, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của các loài động vật có vú và người. Vi rút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật mắc bệnh dại (thường là chó trên 95% và mèo) sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể người; thời gian ủ bệnh dại có thể từ vài ngày đến vài tháng. Một khi các triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện, tỷ lệ tử vong là 100% đối với cả động vật và con người.
BÀI BỆNH DẠI 02
Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Ảnh minh họa.

BS.CKI Trường Quốc Chiến, Trưởng khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ) cho biết: Các đường lây truyền bệnh dại gồm: qua vết cắn hoặc liếm của động vật mắc bệnh, đây là đường lây truyền chính; qua vết thương hở hoặc niêm mạc, nếu bị động vật mắc bệnh liếm vào vết thương hở, niêm mạc (mắt, miệng), nguy cơ nhiễm bệnh cũng rất cao; qua tiếp xúc với chất dịch từ động vật bệnh…
Vi rút dại từ nước bọt của động vật mắc bệnh (giai đoạn khởi phát), sau đó xâm nhập vào mô qua vết thương, theo thần kinh ngoại biên, đến thần kinh Trung ương, tấn công não bộ, theo thần kinh ly tâm phát tán khắp cơ thể.
Đặc điểm chung của bệnh dại trên người gồm giai đoạn khởi phát, giai đoạn tiến triển và giai đoạn cuối. Giai đoạn khởi phát gồm có các biểu hiện như: sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi; ngứa, đau, hoặc cảm giác nóng tại vị trí bị cắn (do vết thương); cảm giác lo lắng, khó chịu, hoặc thay đổi tâm trạng. Giai đoạn tiến triển gồm các biểu hiện: khó nuốt, có thể gây ra nôn, chảy dãi; cơ bắp căng cứng, đặc biệt là vùng cổ và hàm; ngủ mê, lú lẫn; sự thay đổi trong hành vi, thường là tăng sự kích động hoặc hung dữ, có thể cắn người khác. Giai đoạn cuối, người bệnh có biểu hiện liệt toàn thân, không thể cử động, cuối cùng là hôn mê; bệnh nhân sẽ chết do suy hô hấp hoặc ngừng tim. Một khi các triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện, tỷ lệ tử vong là 100% đối với cả động vật và con người.
Cách xử trí khi bị nghi nhiễm bệnh dại, ngay khi bị cắn hoặc tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi ngờ mắc bệnh dại, cần rửa vết thương kỹ bằng xà phòng và nước sạch ít nhất 15 phút. Cần đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng bệnh dại hoặc huyết thanh kháng dại ngay lập tức, nếu không được tiêm vắc xin kịp thời thì bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Nếu có thể, hãy giữ con vật gây cắn và quan sát tình trạng của nó trong vòng 10 ngày để xác định xem nó có mắc bệnh dại hay không. Việc xử trí kịp thời có thể ngăn ngừa sự phát triển của bệnh, vì bệnh dại khi đã xuất hiện triệu chứng thì gần như không thể cứu chữa.

Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam, bệnh dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có vắc xin phòng bệnh. Việc quản lý tốt đàn chó mèo nuôi và thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác và chủ động phòng chống bệnh dại trên địa bàn thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine; Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương; Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại; Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
 
Thông điệp truyền thông phòng bệnh dại
* Thực hiện 5 KHÔNG đối với vật nuôi:
1. Không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại
2. Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương
3. Không nuôi chó thả rông
4. Không để chó cắn người
5. Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường
* Đối với người bị phơi nhiễm:
- Người có nguy cơ cao thực hiện tiêm phòng trước phơi nhiễm.
- Người bị phơi nhiễm với động vật bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc xin/huyết thanh kháng dại.

Nguồn tin: Bài, ảnh: Minh Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập38
  • Hôm nay17,399
  • Tháng hiện tại521,552
  • Tổng lượt truy cập27,263,663
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây