​Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam và Bộ Y tế: Cung cấp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 sau tuyên bố của WHO ngày 5/5/2023 “COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu”

Thứ sáu - 12/05/2023 02:39
1. Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam
Câu hỏi: Những lý do nào dẫn tới WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC)? Với tuyên bố này, có phải là đại dịch COVID-19 đã chấm dứt? Vậy thì có nên coi COVID-19 như bệnh cúm mùa?
Tôi xin giải thích một chút về bối cảnh tại sao WHO có tuyên bố về việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu với COVID-19.
WHO công bố COVID-19 là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế vào ngày 30/1/2020. Tại thời điểm đó, có khoảng gần 100 ca mắc ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc và chưa ghi nhận ca tử vong. Và như chúng ta đã biết, nhiều đợt bùng phát đã xảy ra sau đó và trong 3,5 năm qua. Theo đề xuất của Ủy ban khẩn cấp của WHO, sự bùng phát các ca bệnh có đủ yếu tố cầu thành Tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế, trên cơ sở sự bùng phát các ca mắc là một sự kiện chưa từng có tiền lệ đe dọa an ninh y tế công cộng toàn cầu, có nguy cơ lây lan ra nhiều quốc gia và cần sự phối hợp ứng phó ở cấp độ toàn cầu.  Tổng giám đốc của WHO đã chấp thuận đề xuất của Ủy ban khẩn cấp nâng cấp cảnh báo lên cao nhất theo Điều lệ y tế quốc tế và công bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về y tế gây quan ngại quốc tế.
Ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới đã có công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp về y tế gây quan ngại toàn cầu theo đề xuất của Ủy ban khẩn cấp của WHO, căn cứ vào một số lý do dưới dây:
Thứ nhất, dựa trên tình hình dịch tễ học về xu hướng giảm trên toàn cầu trong thời gian gần đây về số ca tử vong, số ca nhập viện, đặc biệt là giảm số ca phải chăm sóc tích cực (ICU). Hiện tại, phân tích dữ liệu của chúng tôi cũng cho thấy không có sự gia tăng mức độ nghiêm trọng về lây truyền dịch bệnh đối với các biến thể đang lưu hành. Đã 3,5 năm qua kể từ khi đại dịch bắt đầu, chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng cao nhờ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và miễn dịch tự nhiên do số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng rất nhiều. Và đó là một lý do rất quan trọng để WHO đưa ra quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp của COVID-19.
Thứ hai, đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi những công cụ để ứng phó và phòng, chống COVID-19. COVID-19 không còn là sự kiện chưa từng có tiền lệ nữa, vi rút đã và đang tồn tại. Chính vì vậy, thay vì quản lý theo tình trạng khẩn cấp, chúng ta cần chuyển hướng sang quản lý dài hạn và bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.
Nhưng có một điểm tôi muốn nhấn mạnh là, việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với COVID-19 không có nghĩa rằng đã chấm dứt đại dịch hoặc COVID-19 không còn là mối đe dọa trên toàn cầu hay ở Việt Nam. Một ví dụ chúng ta có thể thấy rõ là đang có sự gia tăng số ca mắc gần đây ở Việt Nam. Việc công bố này cũng không có nghĩa là vi rút đã biến mất hay là COVID-19 đã trở nên ít nguy hiểm hơn. Và điều chắc chắn là chúng ta không được mất cảnh giác, và đây cũng là điều mà Tổng giám đốc WHO cũng đã rất nhấn mạnh ở trong buổi họp báo vào thứ Sáu tuần trước, đó là “Điều tồi tệ nhất mà bất kỳ quốc gia nào có thể làm lúc này là sử dụng tin tức này làm lý do để mất cảnh giác, dỡ bỏ các hệ thống mà họ đã xây dựng hoặc gửi đi thông điệp tới người dân rằng COVID-19 không có gì phải lo lắng”.
Về câu hỏi: “Có nên coi COVID-19 như bệnh cúm mùa?” Tôi xin đưa ra ba luận điểm như sau:  Thứ nhất, tôi đồng ý rằng có những điểm tương đồng giữa cúm mùa với bệnh COVID-19, đó là cả hai bệnh này đều do tác nhân gây bệnh đường hô hấp.
Tuy nhiên, với hai luận điểm tiếp theo, tôi sẽ thận trọng về việc có nên coi COVID-19 là bệnh theo mùa: Đầu tiên, từ tất cả các đợt bùng phát ở các quốc gia, chúng ta thấy rằng COVID-19 không theo mùa, trong khi cúm mùa thường xuất hiện vào mùa đông. Thứ hai, tôi muốn nhắc nhở để chúng ta nhớ rằng, COVID-19 vẫn là một căn bệnh còn rất mới với chúng ta. Trong khi các nhà khoa học trên thế giới đã có hàng thập kỷ nghiên cứu về cúm mùa, từ các dữ liệu dịch tễ học, dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của vi rút, và vi rút ảnh hưởng khác nhau với nhóm dân số khác nhau như thế nào. Với COVID-19, chúng ta mới có hơn ba năm nghiên cứu về nó. Như vậy có thể nói rằng quá sớm để nói chúng ta có thể dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của COVID-19 trong tương lai. Chính vì vậy, việc công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch không có nghĩa là COVID-19 đã kết thúc. Đây chỉ là một tín hiệu rằng chúng ta cần chuyển hướng sang quản lý bền vững COVID-19.
Câu hỏi: WHO đánh giá như thế nào về các biện pháp phòng chống dịch mà Việt Nam đã và đang thực hiện?
Trước hết, chúng tôi đánh giá rất cao các biện pháp ứng phó của Việt Nam đối với đại dịch COVID-19, đặc biệt là ngay từ khi đại dịch vừa mới bùng phát. Ngay từ thời điểm đó, Việt Nam đã có sự điều chỉnh hết sức hợp lý trong cả các biện pháp y tế công cộng cũng như các biện pháp xã hội khác để đảm bảo phòng, chống COVID-19 hiệu quả, bao gồm:
  • Năng lực rất mạnh mẽ về phát hiện và đáp ứng sớm.
  • Năng lực giám sát tốt. Điều này rất quan trọng trong việc ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới.
  • Các biện pháp kiểm soát biên giới mạnh mẽ và giãn cách xã hội khi cần thiết.
  • Cộng đồng tuân thủ tốt các biện pháp bảo vệ cá nhân – ví dụ như đeo khẩu trang – cũng như tuân thủ giãn cách xã hội khi cần thiết.
  • Và trên hết là năng lực hệ thống y tế tốt, có khả năng tăng cường quy mô và chuẩn bị sẵn sàng cho sự gia tăng đột biến số ca mắc.
Thông qua tất cả các biện pháp này, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc giữ cho số lượng ca mắc và tỉ lệ tử vong tương đối thấp trong giai đoạn đầu của đại dịch cho đến khi có vắc xin. Và khi có vắc xin, Việt Nam đã xuất sắc thực hiện triển khai tiêm chủng vắc xin. Tốc độ và quy mô của việc triển khai tiêm chủng là vô cùng ấn tượng, đặc biệt là nỗ lực đảm bảo rằng vắc xin đến được với tất cả mọi người ở mọi miền trên đất nước. Đây chính là một trong những câu chuyện thành công về ứng phó với COVID-19 của Việt Nam mà WHO thường nêu bật và lan tỏa.
Nhìn chung, chúng tôi đánh giá rất cao khả năng ứng phó với đại dịch của Việt Nam.
Tuy nhiên, có một điều mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là bây giờ không phải là lúc để thư giãn và buông lỏng cảnh giác.
Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang “quản lý bền vững” vi rút cách đây 18 tháng. Chúng ta nên nghĩ về cách quản lý vi rút dài hạn, thay vì ứng phó khẩn cấp, và bây giờ không phải là lúc để nới lỏng bất kỳ biện pháp chống dịch nào, đặc biệt là khi chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc bệnh, số ca nhập viện, số ca phải chăm sóc đặc biệt (ICU), mặc dù số ca tử vong cho đến nay không tăng đột biến. Đó là kết quả của việc đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng rất cao, cũng như những nỗ lực đáng kinh ngạc của các nhân viên y tế.
Vì vậy, câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi trên đó là chúng tôi đánh giá rất cao công tác ứng phó của Việt Nam. Điều quan trọng bây giờ là đảm bảo rằng chúng ta đã tiếp thu tất cả các bài học chống dịch trong 3,5 năm qua, tiếp tục áp dụng những bài học đó khi chúng ta lên kế hoạch về việc quản lý COVID-19 lâu dài trong tương lai.
Câu hỏi: WHO khuyến nghị gì cho Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới?
Là một phần của quá trình chuyển đổi sang quản lý dài hạn hơn đối với COVID-19 và chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, WHO đã đưa ra 7 khuyến nghị cho các quốc gia. Tôi sẽ nói về chúng một cách khái quát trước, rồi sau đó sẽ đề cập cụ thể hơn về những vấn đề liên quan đến Việt Nam.
  • Một là, chúng ta phải duy trì những thành tựu đã đạt được và những đầu tư mà chúng ta đã thực hiện trong việc ứng phó với bệnh truyền nhiễm thông qua COVID-19, rút ra những bài học trong ba năm rưỡi qua và áp dụng những điều đó vào cách chúng ta ứng phó với COVID trong tương lai, cũng như để chuẩn bị cho mối đe dọa đến từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác.

Vì vậy, thông điệp số một là chúng ta không được nghỉ ngơi vào lúc này, không được rời chân khỏi bàn đạp và không được mất cảnh giác, mà chúng ta cần phát huy mọi thứ chúng ta đã làm và học được trong vài năm qua.
  • Hai là, về tiêm chủng - đã đến lúc chúng ta cần phải nghĩ về việc tích hợp tiêm phòng COVID vào các chương trình tiêm chủng thường quy hoặc đôi khi chúng ta vẫn gọi là các chương trình tiêm chủng ‘suốt đời’, bởi vì COVID sẽ còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta trong tương lai gần, vì vậy chúng ta sẽ cần đảm bảo rằng mọi người được miễn dịch thông qua chương trình tiêm chủng thường xuyên.

Và điều quan trọng đối với Việt Nam về tiêm chủng hiện nay là độ bao phủ của các liều nhắc lại. Chúng ta đều biết Việt Nam có độ bao phủ rất tốt đối với liều cơ bản nhưng độ bao phủ của mũi nhắc lại thứ nhất và thứ hai lại không như mong đợi, đặc biệt là khi hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng các ca nhiễm mới.
Chính vì vậy, chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả những người đủ điều kiện, tất cả những người thuộc nhóm có nguy cơ cao đều đã được tiêm liều nhắc lại – đây là ưu tiên quan trọng nhất hiện nay.
  • Ba là, về công tác giám sát. Đã đến lúc tích hợp giám sát COVID với giám sát các mầm bệnh đường hô hấp khác, và tiếp tục báo cáo dữ liệu đó cho WHO.
Một số điều cần nhấn mạnh ở đây là:
+ Một là, giám sát bộ gen hoặc giải trình tự gen, tức là xét nghiệm các mẫu khác nhau để xác định một người bị nhiễm biến thể nào của COVID. Điều này thực sự quan trọng để chúng ta có thể tiếp tục theo dõi hành vi của các biến thể khác nhau và chúng có thể ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau như thế nào, vì điều này sẽ xác định cách chúng ta cần ứng phó trong tương lai.
+ Hai là, chúng ta cần sử dụng dữ liệu đó về COVID để theo dõi cẩn thận bất kỳ thay đổi nào về khả năng lây truyền – có nghĩa là mức độ lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của bệnh – liệu nó có khiến nhiều người mắc bệnh hơn, nhiều người tử vong hơn không? Liệu chúng ảnh hưởng khác nhau thế nào đến các nhóm người khác nhau.

Và thông qua việc xem xét cả hai điều trên - khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng, chúng ta sẽ xem xét tác động tổng thể mà vi rút đang gây ra. Vì vậy, việc tiếp tục theo dõi và giám sát là rất quan trọng.
  • Bốn là, đảm bảo chúng ta có nguồn cung cấp vắc xin tốt, chẩn đoán và điều trị tốt. Có nghĩa là cần đảm bảo các công cụ mà chúng ta cần để chẩn đoán, các loại thuốc mà chúng ta hiện có sẵn để điều trị và các loại vắc xin để ngăn ngừa bệnh nặng và giảm khả năng tử vong. Tất cả những công cụ này đều được cung cấp ở Việt Nam và các quốc gia khác trong trường hợp khẩn cấp, vì vậy giờ là lúc xem xét khung pháp lý, chuỗi cung ứng để đảm bảo rằng chúng ta có nguồn cung cấp đáng tin cậy trong tương lai và những sản phẩm này có sẵn cho người dân. Lý tưởng nhất là chúng vẫn được cung cấp miễn phí hoặc được trợ cấp phần lớn để đảm bảo chi phí không phải là rào cản để tiếp cận những sản phẩm này.
 
  • Năm là, tiếp tục làm việc, gắn kết sự tham gia và truyền thông tới các cộng đồng. Một trong những đặc điểm chính giúp Việt Nam ứng phó thành công đó chính là cách cộng đồng có thể tham gia và sẵn sàng hỗ trợ các biện pháp y tế cộng đồng và xã hội khác nhau. Chúng ta cần tiếp tục làm việc này với cộng đồng để có thể quản lý COVID thành công trong dài hạn. Vì vậy, bây giờ không phải là lúc để ngừng truyền thông tới cộng đồng hoặc ngừng nói chuyện với công chúng về vai trò của họ trong việc giảm lây truyền và đặc biệt là bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Chúng ta rất cần duy trì sự tham gia mạnh mẽ và truyền thông tới cộng đồng.
 
  • Sáu là, về các biện pháp liên quan đến đi lại. VN thực chất đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế đi lại từ tháng 3/2022 khi hướng tới quản lý bền vững COVID-19. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia và sẵn sàng, linh hoạt, và nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ.
  • Bảy là, tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu về cả hiệu quả và hiệu suất của vắc xin, cũng như tình trạng hậu COVID - hay đôi khi chúng ta còn gọi là 'COVID kéo dài'.

Trên đây là 7 khuyến nghị chung từ WHO đến các quốc gia tại thời điểm này.

Điều cuối cùng tôi muốn nói trong bối cảnh tình hình hiện nay ở Việt Nam – trong giai đoạn mà các ca nhiễm đang có xu hướng gia tăng như hiện nay - là chúng ta thực sự cần tiếp tục theo dõi sát sao, chúng ta nên lưu ý rằng có thể cần điều chỉnh các biện pháp ứng phó và theo dõi chặt chẽ các cơ sở khám chữa bệnh và. Đặc biệt là chúng ta cần giám sát chặt chẽ năng lực các cơ sở và chăm sóc đặc biệt (ICU) để đảm bảo rằng các cơ sở và nhân viên y tế không bị quá tải. Chúng ta không muốn quay trở lại tình trạng mà các quốc gia phải trải qua vài năm trước - vì vậy tất cả những điều trên thực sự rất quan trọng ngay tại thời điểm hiện tại khi mà số ca mắc đang gia tăng tại Việt Nam.

Điểm cuối cùng chính là WHO cam kết sẽ luôn luôn đồng hành cùng Việt Nam, cụ thể ở đây là Bộ Y tế trong công cuộc phòng, chống, kiểm soát và quản lý lâu dài dịch bệnh COVID-19.
2. Nội dung cung cấp thông tin của GS.TS.Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Câu hỏi: Xin ông cho biết các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào sau tuyên bố của WHO?
Tôi phải nhấn mạnh lại rằng công bố của WHO về việc COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, tuy nhiên Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh việc tuyên bố không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa hay COVID-19 ít nguy hiểm hơn.
WHO đánh giá rủi ro nguy cơ về COVID-19 vẫn ở mức cao trên toàn cầu, dù số mắc và số ca tử vong giảm trên toàn cầu nhưng từng khu vực vẫn có sự gia tăng. Bản thân virus SARS-CoV-2 vẫn có biến đổi, thay đổi. Nếu như đầu tháng 4, WHO công bố có khoảng 400-500 biến thể phụ của Omicron nhưng đến đầu tháng 5, con số này đã là 900. WHO luôn nhắc các nước không được chủ quan, cảnh giác với các biến thể mới xuất hiện. 
Với Việt Nam, chúng ta đã đưa ra các đáp ứng phù hợp với tình hình dịch tễ trong bối cảnh từng thời kỳ. Các hoạt động phòng chống dịch tại nước ta có sự chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian qua, đặc biệt từ tháng 10/2021, Việt Nam đã chuyển hướng sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Việt Nam đã chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Tiếp theo đó, ngày 17/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, với quan điểm, mục tiêu nhất quán trong phòng, chống dịch COVID-19 lâu dài, bền vững như hiện nay. 
Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng kế hoạch ứng phó bền vững với đại dịch COVID-19 trong tình hình mới, trong đó có tính đến bối cảnh có biến thể mới nguy hiểm xuất hiện, dịch lan rộng…; Tăng cường giám sát lồng ghép COVID-19 và các bệnh viêm đường hô hấp khác.
Bên cạnh đó, chúng tôi đa dạng hoá các hoạt động giám sát dịch bệnh để có thể đánh giá đúng tình hình dịch nhằm triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Vừa tăng cường giám sát trọng điểm, thường xuyên, lồng ghép, giám sát theo sự kiện, vừa giám sát ngẫu nhiên. Việc giám sát ngẫu nhiên ở cửa khẩu không mang tính bắt buộc nhưng vẫn mang lại lợi ích trong cộng đồng nên người dân cần phối hợp. 
Câu hỏi: Vậy khi nào Việt Nam có thể công bố hết dịch COVID-19, thưa ông? 
Hiện chúng ta không còn hạn chế đi lại, trong khi bản chất của SARS-CoV-2 vẫn có thể di chuyển trên những người khỏe mạnh, vượt qua hàng rào hành chính, do đó phòng chống dịch COVID-19 mang tính toàn cầu, không riêng một quốc gia, một địa phương. 
Miễn dịch COVID-19 sẽ giảm theo thời gian và dịch vẫn có thể xuất hiện làn sóng mới từ khu vực này đến khu vực khác. Chính vì thế dịch bệnh COVID-19 khó dự báo, khó lường và có sự gia tăng ở từng khu vực. Hiện dịch bệnh có sự gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi ngày Việt Nam ghi nhận khoảng 2.000 ca bệnh COVID-19, trong đó có ca bệnh nhập viện, có bệnh nhân tử vong, 1/10 trong số này có liên quan hậu COVID-19. Vì vậy, COVID-19 vẫn gây gánh nặng cho hệ thống y tế. 
Liên quan đến công bố dịch, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định việc công bố dịch gồm 5 nội dung: Thứ nhất trên dịch bệnh; Thứ hai là thời gian, địa điểm, phạm vi, quy mô; Thứ ba là nguyên nhân, đường lây truyền và tính chất nguy hiểm của dịch; Thứ tư là các biện pháp phòng chống và thứ năm là các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận điều trị.
Như vậy với 5 nội dung này, vẫn cần tiếp tục công bố số liệu về dịch để các cơ quan liên quan và người dân nắm được. Mỗi số liệu đưa ra đều mang ý nghĩa giúp cho người dân và cơ quan liên quan biết thời gian, địa điểm, quy mô dịch và các biện pháp phòng chống để thực hiện một cách xuyên suốt thống nhất, giúp cho nhanh chóng khống chế dịch.
Đến nay, ngay cả trong cuộc họp của WHO ngày 5/5, câu hỏi bao giờ đại dịch kết thúc vẫn chưa rõ ràng. Vì thế đối với Việt Nam, chúng tôi sẽ cùng các chuyên gia cập nhật, tham mưu cho Bộ Y tế, cho Chính phủ đưa ra các biện pháp linh hoạt, phù hợp mới mức độ, diễn biến tình hình dịch, đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết.
Các hoạt động phòng chống dịch hiện nay sẽ dựa trên tình hình dịch tễ, biện pháp phòng chống, nguồn lực… đặc biệt trong bối cảnh dịch chưa ổn định, vẫn có biến chủng, ca mắc mới hằng ngày. Các biện pháp này nhằm đảm bảo khi có tình huống phải áp dụng để kiểm soát dịch nhanh chóng.
Câu hỏi: Theo ông có nên chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B?
Phòng chống dịch phải  trên nguyên lý khoa học cũng như căn cứ trên luật pháp cả quốc tế và Việt Nam.
Đối với hoạt động phòng chống dịch nói chung, COVID-19 nói riêng đều có 4 cấu phần. Thứ nhất, dựa trên tình hình dịch tễ; thứ hai là các biện pháp phòng chống; thứ ba là thời điểm áp dụng các biện pháp và thứ tư là các nguồn lực, biện pháp phòng chống, các chính sách để đảm bảo thực hiện các biện pháp ứng phó một cách đồng bộ.
Như vậy chúng ta phải cân đối 4 yếu tố này, làm thế nào để khi tình huống liên quan đến dịch bệnh, thì áp dụng đúng thời điểm nhằm khống chế, kiểm soát nhanh chóng dịch bệnh.
Đối với COVID-19 tính chưa ổn định, khó lường, dù có giảm các biện pháp phòng chống nhưng về miễn dịch suy giảm theo thời gian, trong khi biến thể phụ thường xuyên xuất hiện, dịch xuất hiện làn sóng mới. Như vậy, biện pháp chúng ta áp dụng phải trải từ hành chính xã hội cho đến biện pháp về chuyên môn, kỹ thuật.
Trong phân loại, bệnh truyền nhiễm nhóm A thiên về các biện pháp hành chính xã hội và đảm bảo nguồn lực. 
Tuy nhiên tôi nhấn mạnh dù là nhóm bệnh nào thì việc phối hợp thực hiện hài hoà, linh hoạt để khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có thể triển khai nhanh chóng, phù hợp với tình huống dịch, tránh được lãng phí mới là quan trọng.
Câu hỏi: Ông có khuyến cáo gì với người dân trong phòng chống dịch COVID-19 hiện nay?
GS.TS Phan Trọng Lân: Như tôi đã nói ở trên, dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo, chúng ta vẫn ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc trong đó bao gồm có nhập viện, có tử vong, 1/10 trong số này có liên quan đến tình trạng hậu COVID-19.
Do đó, chúng tôi tiếp tục khuyến cáo trong thời gian tới chúng ta vẫn cần duy trì thực hiện 2K, vaccine, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức người dân trong việc phòng, chống COVID-19 lâu dài.
3. Nội dung cung cấp thông tin của TS.Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế
Câu hỏi: Bộ Y tế sẽ có những thay đổi như thế nào trong điều trị BN COVID-19, quy định cách ly với người mắc COVID-19?
Ngay từ giai đoạn Việt Nam chuyển hướng sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn điều chỉnh nhiều nội dung, trong đó có vấn đề liên quan đến kiểm soát, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, cách ly đối với người mắc COVID-19.
Hiện nay, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đang xem xét các nội dung về các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và cách ly đối với người bệnh COVID-19. Về cơ bản các chuyên gia cũng đã thống nhất là sẽ có một số điều chỉnh, tập trung chủ yếu vào điều chỉnh liên quan đến sử dụng thuốc kháng virus, một số thuốc kháng thể đối với COVID-19 theo các khuyến cáo và các bằng chứng mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới và các báo cáo khoa học trên thế giới.
Câu hỏi: Theo ông, cần làm gì để giảm và hạn chế thấp nhất tử vong do COVID-19 khi mà trong thời gian qua số mắc có xu hướng gia tăng và vẫn ghi nhận 1 số ca tử vong, đồng thời với tuyên bố  của WHO về chấm dứt tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu?
Mặc dù giai đoạn tháng tư và đầu tháng 5 năm 2023, Việt Nam đã ghi nhận các ca bệnh tử vong do COVID-19. Khi xem xét, phân tích các ca bệnh tử vong này, các chuyên gia nhận thấy rằng tất cả các ca bệnh tử vong đều là những người bệnh có nguy cơ cao, bệnh nền, cao tuổi hoặc là có rất nhiều bệnh kèm theo, và bản thân bệnh nhân cũng đã có tình trạng nặng từ trước. Không phát hiện một trường hợp nào mà tử vong ở trên người bệnh mà không có bệnh nền hay là người trẻ tuổi không có bệnh nền.
Tỷ lệ tử vong hiện nay so với số nằm viện, ở đây là con số ước tính - con số này chưa thể hiện đúng bản chất, dao động khoảng 0,47% trong số bệnh nhân nằm viện. Cần nhấn mạnh rằng những bệnh nhân COVID-19 phải nằm viện có nghĩa là những bệnh nhân có bệnh nền, có triệu chứng nặng thì mới nhập viện; những trường hợp nhẹ, hoặc triệu chứng chưa đến mức phải can thiệp y tế nhiều thì hầu hết là điều trị tại nhà hoặc là được theo dõi tại các cơ sở y tế mà không phải bệnh viện.
Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Việt Nam từ trước đến nay ghi nhận ở mức 0,37%, thấp hơn nhiều tỷ lệ chung của thế giới là 0,99%, nghĩa là chỉ bằng khoảng một phần ba so với tỉ lệ chung của thế giới. Đây là một số liệu thể hiện rất nhiều nỗ lực của hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Việt Nam trong công tác điều trị bệnh COVID-19 trong suốt 3 năm qua, với việc chuyển đổi rất kịp thời các hình thức từ cách ly tuyệt đối, điều trị 100% tại bệnh viện cho đến triển khai các cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng, và sau đó là triển khai điều trị, theo dõi, giám sát tại nhà.
Đây là thành quả mà suốt một thời gian chúng ta đã thích ứng một cách rất linh hoạt đối với công tác điều trị COVID-19. Đồng thời, trong dịch COVID-19 năng lực chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng đã được nâng cao hơn. Rất nhiều bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh đã có thể quản lý điều trị được các trường hợp suy hô hấp nặng, triển khai được kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực hồi sức, cấp cứu. COVID-19 vừa là thách thức, cũng là một cơ hội cho việc nâng cao năng lực cho các cơ sở khám chữa bệnh Việt Nam.
Để giảm tử vong do COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện các nội dung  sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục cảnh giác với COVID-19, phát hiện sớm các trường hợp bệnh; các đơn vị hồi sức, đơn vị chạy thận, đơn vị có những bệnh nhân nặng đang điều trị ở bệnh viện phải theo dõi, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện những ca bệnh, cách ly ra khỏi khu vực đang điều trị, tránh để lây nhiễm vào các bệnh nhân đang điều trị cùng đơn vị. Bởi vì, nếu xảy ra lây nhiễm,  thường lây nhiễm vào bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao, như vậy tỉ lệ tử vong có thể gia tăng;
Thứ hai, tiếp tục tăng cường năng lực cho hồi sức cấp cứu. Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) tiếp tục cập nhật kế hoạch, huy động sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức quốc tế để đào tạo, huấn luyện về hồi sức cấp cứu đối với điều trị COVID-19, đặc biệt là vấn đề thở máy, vấn đề hệ thống oxy cho các cơ sở y tế.
Thứ ba, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục theo dõi, giám sát và tăng cường hội chẩn với tuyến trên khi điều trị ca bệnh nặng, đảm bảo có sự liên thông chặt chẽ giữa các tuyến, chỉ chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết và có sự liên hệ trước để có thể chủ động điều trị ca bệnh nặng, mang đến hiệu quả cao nhất; hạn chế chuyển tuyến trong trường hợp số ca bệnh tăng cao. Đặc biệt, khi những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM quá tải thì bắt buộc các tỉnh, địa phương phải giữ bệnh nhân lại điều trị.
Thứ tư, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm để hạn chế dịch bệnh lây lan trong bệnh viện; yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc thực hiện cách ly những ca bệnh COVID-19, triển khai áp dụng mang khẩu trang cho tất cả các khu vực lâm sàng, khu vực có người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối việc mang khẩu trang theo quy định; đặc biệt chú trọng bảo vệ cho những đối tượng có nguy cơ cao; trong trường hợp đến khám có dấu hiệu, triệu chứng của COVID-19 phải tiến hành xét nghiệm bằng cả phương pháp khẳng định là PCR và dùng test nhanh để chẩn đoán sớm, cách ly ngay.
Thứ năm, theo dõi, đánh giá các ca lâm sàng COVID-19 phải nhập viện, một số trường hợp phải gửi xét nghiệm, giải trình tự gene để phát hiện sớm những biến thể mới của vi rút. Đặc biệt, các bệnh viện phải hết sức chú ý đến những trường hợp người bệnh nặng, người bệnh tử vong để có xét nghiệm giải trình tự gene, phát hiện sớm những biến thể. Đặc biệt lưu ý những trường hợp không mắc bệnh nền mắc COVID-19 có dấu hiệu nặng, vì đây là những trường hợp đáng lo ngại, cần giám sát chặt chẽ để có thể phát hiện sớm những biến chủng gây gia tăng tình trạng nặng, như trước đây là chủng Delta.
Câu hỏi: Có một số ý kiến cho rằng nên coi COVID-19 như bệnh cúm mùa hay một bệnh truyền nhiễm nhóm B, vậy theo ông  tỷ lệ tử vong do COVID-19 hiện nay có tương đương như cúm hay một số bệnh truyền nhiễm phổ biến ở VN như sốt xuất huyết?
Hiện nay, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm đi rất thấp so với trước đây vào giai đoạn bùng phát mạnh năm 2021. Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong do COVID-19 hiện nay ở mức 0,37%, vẫn cao hơn nhiều so với những bệnh truyền nhiễm khác, như: sốt xuất huyết tỉ lệ tử vong ở Việt Nam khoảng 0,09%. Chính vì vậy, chúng ta không thể chủ quan và vẫn luôn phải sẵn sàng ứng phó, sẵn sàng để nâng cao năng lực chuyên môn cũng như có các kế hoạch, phương án để linh hoạt, chuyển đổi đáp ứng điều trị khi cần thiết.
Trong trường hợp các ca bệnh nhập viện tăng lên, gây quá tải bệnh viện hoặc xuất hiện các biến chủng nguy hiểm gây bệnh nặng thì chúng ta cũng phải chuẩn bị để quay trở lại giải pháp thành lập các cơ sở điều trị COVID-19 như trước đây trong giai đoạn bùng phát dịch. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chuẩn bị kế hoạch, phương án sẵn sàng quay trở lại với tình huống  dịch bệnh bùng phát.
4. Nội dung cung cấp thông tin của PGS.TS. Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
Câu hỏi: Tiêm vắc xin COVID-19 sẽ triển khai như thế nào trong thời gian tới ở Việt Nam?
Từ năm 2021 đến nay, để nhanh chóng phòng chống dịch COVID-19, chúng ta đã tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo hình thức chiến dịch qui mô lớn cho các nhóm đối tượng bao gồm: người lớn từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi và trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tổng số số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 266 triệu mũi tiêm, Việt Nam là quốc gia đạt độ bao phủ vắc xin COVID-19 cao cho các lứa tuổi bao gồm các liều cơ bản và các liều tiêm nhắc lại. Để thực hiện thành công công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn như trên, chúng ta đã phải huy động tối đa nguồn nhân lực của ngành y tế, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự tham gia của các ban ngành đoàn thể xã hội, các lực lượng hỗ trợ khác. Nỗ lực triển khai tiêm vắc xin phòng COVID -19 đã đóng góp quan trọng vào thành công chống đại dịch COVID 19 ở Việt Nam.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới,  hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, tuy nhiên đại dịch chưa kết thúc. Vì vậy,Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng chống dịch trong đó có việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, tiêm nhắc cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Căn cứ số đối tượng cần tiêm chủng và lịch tiêm tiêm nhắc, các địa phương sẽ tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo đợt hoặc định kỳ, tiến tới đưa vào tiêm chủng thường xuyên để đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng, đồng thời tiết kiệm nguồn lực mà vẫn đạt được độ bao phủ vắc xin cho nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Câu hỏi: Các khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế đề cập đến miễn dịch do tiêm vắc xin COVID-19 và do mắc phải COVID-19 có xu hướng giảm dần theo thời gian. Vậy trong thời gian tới, Bộ Y tế có khuyến cáo như thế nào về việc tiêm vắc xin COVID-19 sau khi đã tiêm đủ 4 mũi, hoặc tiêm mũi nhắc lại thứ 2 hoặc việc triển khai thêm mũi tăng cường cho những người thuộc nhóm nguy cơ?
Theo khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới: Các nhóm cần ưu tiên tiêm nhắc vắc xin phòng COVId-19 gồm: người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần được tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc lại, các mũi tiêm nhắc sau liều cuối cùng từ 6 đến 12 tháng.
Hiện nay trên thế giới đã có vắc xin COVID-19 nhị giá cập nhật “update COVID-19 vaccine” phòng chủng vi rut gốc và chủng Omicron. Theo khuyến cáo của US CDC Hoa Kỳ thì tất cả các đối tượng từ 6 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản cần được tiêm bổ sung 1 liều vắc xin cập nhật. Ngoài ra, người từ 65 tuổi trở lên cần được tiêm thêm 1 liều vắc xin cập nhật thứ 2 sau 4 tháng trở ra, người suy giảm miễn dịch cũng cần tiêm thêm 1 liều vắc xin cập nhật thứ 2 sau ít nhất là 2 tháng sau liều tiêm thứ nhất.
Việt Nam sẽ cập nhật theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, và thông qua Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, tiếp theo Bộ Y tế sẽ đưa ra hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phù hợp cho nhóm đối tượng nguy cơ cao trong thời gian tới.
Trong tình hình dịch COVID-19 có xu hướng gia tăng số mắc những ngày gần đây,  người dân hãy thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn hiện tại của Bộ Y tế: người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại, trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm đủ liều cơ bản. Đặc biệt những người nguy cơ cao mắc COVID 19 như người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ mũi 3, mũi 4 theo lịch và hướng dẫn của Bộ Y tế.




 

Nguồn tin: BSCKI. Trường Quốc Chiến - TK, TTGDSK – CDC Cần Thơ (Nguồn tài liệu Trung tâm TTGDSKTW-BYT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập57
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm52
  • Hôm nay12,016
  • Tháng hiện tại394,425
  • Tổng lượt truy cập23,171,152
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây