Mang thai ở độ tuổi vị thành niên và những hậu quả

Thứ sáu - 30/08/2024 02:14
Khoa Sức khỏe sinh sản, CDC Cần Thơ truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận Cái Răng, TP Cần Thơ vào năm 2023
Khoa Sức khỏe sinh sản, CDC Cần Thơ truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận Cái Răng, TP Cần Thơ vào năm 2023
* Giới trẻ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục
Kết quả điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) năm 2015 cho thấy ngày nay vị thành niên, thanh niên được thụ hưởng chất lượng cuộc sống cao hơn, có điều kiện tiếp cận thông tin dễ dàng hơn như máy tính và kết nối internet. Hơn 90% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 cho biết đã trao đổi và tiếp cận thông tin thông qua các kênh hiện đại như Internet, truyền hình và tin nhắn SMS trên điện thoại di động.
Tuy nhiên, tình trạng SKSS, SKTD của vị thành niên, thanh niên vẫn đang tồn tại những vấn đề rất đáng quan tâm, Vị thành niên, thanh niên Việt Nam chưa có kiến thức đầy đủ và thực hành chưa đúng về các vấn đề sức khỏe tình dục:
Kiến thức về mang thai của thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 không đầy đủ, chỉ có 17% trả lời đúng các câu hỏi về những ngày mà phụ nữ có khả năng thụ thai. Trong tổng số nữ trong độ tuổi 15-24, có 18 trên 1,000 người đã từng phá thai (chiếm 9,2% trong tổng số những người đã từng có thai).
Tỉ lệ phá thai đặc biệt cao hơn ở nhóm nữ trong độ tuổi 19-24, dân tộc thiểu số và nữ đã từng kết hôn so với nhóm nữ trong độ tuổi từ 15-18, người Kinh và người chưa từng kết hôn.
Nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại trung bình khoảng 30% và thậm chí lên tới 48,4% đối với nữ chưa từng kết hôn độ tuổi 15-24. Trong tổng số thanh thiếu niên tham gia nghiên cứu, 83% đã từng nghe nói về bao cao su nam và 63,4% hiểu đúng mục đích của việc dùng bao cao su. Tuy nhiên, chỉ có 26% trong số họ biết các sử dụng bao cao su đúng cách. Tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại ở Việt Nam.
* Mang thai ở vị thành niên
Đa số các trường hợp mang thai ở vị thành niên là ngoài ý muốn. Mang thai ở vị thành niên gây rất nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của vị thành niên. Việc quyết định tiếp tục mang thai hay chấm dứt thai kỳ là một quyết định quan trọng và khó khăn đối với vị thành niên. Cần có sự tư vấn của cán bộ y tế và ý kiến của người thân trong gia đình về các nguy cơ cho sức khỏe, ảnh hưởng về tâm lý và các yếu tố kinh tế - xã hội.
Những nguy cơ có thể gặp khi mang thai ở tuổi vị thành niên
Nguy cơ khi tiếp tục giữ thai và sinh đẻ: Mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nguy cơ tử vong mẹ ở tuổi vị thành niên cao so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành. Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sẩy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai khung chậu. Trong lúc sinh: đẻ khó, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật (forceps, giác kéo). Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi sinh ra do các bà mẹ còn ở tuổi vị thành niên cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.
          Về mặt kinh tế - xã hội: khi có thai vị thành niên phải gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm, dẫn đến vị thành niên rơi vào con đường bế tắc. Hạnh phúc gia đình có thể bị rạn nứt, nhiều trường hợp lâm vào hoàn cảnh éo le, ảnh hưởng đến tương lai của vị thành niên. Tỷ lệ ly dị cao, dễ bị phân biệt đối xử. Làm mẹ sớm cũng có nguy cơ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý.
Nguy cơ khi phá thai ở tuổi vị thành niên
          Do mặc cảm, xấu hổ nên vị thành niên thường tìm kiếm dịch vụ phá thai không an toàn dẫn đến nhiều biến chứng khó lường, hậu quả nghiêm trọng như nhiễm trùng, băng huyết, vô sinh hoặc nặng nề hơn có thể dẫn đến tử vong. Vị thành niên thường không biết các dấu hiệu để nhận biết thai nghén, không biết tìm đến cơ sở y tế sớm, thường để muộn dẫn đến phá thai to. Do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, tâm lý lại lo sợ nên thủ thuật phá thai ở vị thành niên thường xảy ra nhiều tai biến hơn ở người trưởng thành. Những ảnh hưởng tâm lý sau phá thai ở tuổi Vị thành niên có thể rất nặng nề và kéo dài.
* Phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục đối với vị thành niên, thanh niên
Thanh niên cần có đời sống tình dục an toàn và đồng thuận. Tình dục lành mạnh là tôn trọng bạn tình, không đặt bạn tình vào tình thế khó xử, không làm thương tổn bạn tình, đồng thời cũng không làm tổn thương đến những người xung quanh. Điều này giúp bảo vệ hạnh phúc bản thân và gia đình, bảo vệ sự lành mạnh cho thế hệ con cái và không vi phạm pháp luật.
Để tránh mang thai ngoài ý muốn khi đã có quan hệ tình dục cần sử dụng một biện pháp tránh thai an toàn. Bao cao su là một biện pháp ngừa thai có tác dụng kép ngoài ngừa thai còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Vị thành niên cần có lối sống biết kiềm chế, kiêng quan hệ tình dục khi chưa thật sự sẵn sàng, tập trung học tập, lao động và rèn luyện thể thao. Vị thành niên cần biết cách tự bảo vệ trong tương lai, khuyến khích vị thành niên quay trở lại cơ sở y tế để được tư vấn về tình dục an toàn trước khi có quyết định quan hệ tình dục.
Khi có bất kỳ vấn đề gì thắc mắc về vấn đề SKSS, SKTD hãy thẳng thắn trò chuyện cùng với người thân hoặc đến các cơ sở y tế an toàn để được tư vấn.
Giáo dục SKSS, SKTD toàn diện phù hợp với lứa tuổi là một cách tiếp cận phù hợp với văn hóa ở Việt Nam đối với lứa tuổi vị thành niên để nâng cao nhận thức, kỹ năng sống, cải thiện hành vi SKSS, SKTD và các mối quan hệ thông qua việc cung cấp các thông tin chính xác về mặt khoa học, thực tế và không phán xét. Giáo dục SKSS, SKTD trao cơ hội để vị thành niên khám phá các giá trị và thái độ của bản thân mình cũng như trang bị các kỹ năng sống (giao tiếp, ra quyết định, thương thuyết…) nhằm giảm nguy cơ ở nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề SKSS, SKTD.

                                                                                  
Tài liệu tham khảo:
  1. Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (Ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
  2. Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2020-2025

Nguồn tin: BS.CKI. Trần Thị Thu Hồng - Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản - CDC Cần Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập72
  • Hôm nay8,007
  • Tháng hiện tại294,052
  • Tổng lượt truy cập23,070,779
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây