Theo thống kê của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia năm 2019, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi đang dần giảm thì tình trạng thừa cân/béo phì trong trẻ em lại đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là ở các đô thị. Vấn đề thừa cân/béo phì tuy mới nổi lên nhưng lại rất đáng báo động. Theo điều tra của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân/béo phì ở các em học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông ở thành thị là 41,9%. Béo phì gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe như gây rối loạn tiêu hoá, gan nhiễm mỡ sớm, tăng huyết áp, nguy cơ ngừng thở khi ngủ…
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến béo phì là chế độ dinh dưỡng mất cân đối và thói quen ăn uống không lành mạnh, như dư thừa tinh bột, và đạm thực vật nhưng thiếu hụt chất xơ. Mặc dù Việt Nam là thiên đường của rất nhiều các loại rau củ quả phong phú, kết quả tổng điều tra quốc gia về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm năm 2015 lại cho thấy có đến 57,2% số người trưởng thành ăn ít rau/trái cây (ăn ít hơn 5 suất rau/trái cây trung bình trong 1 ngày). Hầu hết mọi người đều đang ăn thiếu chất xơ, chưa đủ theo khuyến cáo 400 gam rau xanh, 3 loại rau khác biệt và 2 loại quả chín/ngày/người của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia. Nhiều phụ huynh chú trọng bổ sung chất đạm, chất béo, vitamin vào bữa ăn cho trẻ nhưng lại lơ là chất xơ trong khi chất xơ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Có đủ chất xơ trong khẩu phần mang đến rất nhiều lợi ích, từ hỗ trợ quá trình tiêu hoá, làm giảm lượng cholesterol trong máu, tham gia điều hoà đường huyết cho đến giúp giảm cân, giảm nguy cơ ung thư đại tràng và ức chế sự phát triển khối u ác tính… Một số loại rau quả còn được phát hiện có công dụng kích thích và tăng cường việc sản xuất kháng thể.
Trẻ em thuộc nhóm đối tượng dễ thiếu chất xơ vì đa số trẻ không thích ăn rau củ quả. Trẻ dung nạp thức ăn nhanh, ăn vặt, quà ngọt ngày càng nhiều trong khi lại ăn rất ít rau xanh và trái cây. Gặp khó trong việc khuyến khích trẻ ăn rau, nhiều phụ huynh đành chiều theo thói quen ăn uống của trẻ. Tuy nhiên, điều này cần được thay đổi bởi một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng chính là chìa khoá để bảo vệ sức khoẻ, hình thành lối sống lành mạnh ngay từ những năm đầu đời của trẻ.
Để bữa cơm đủ rau và đa dạng, phụ huynh có thể áp dụng một trong những nguyên tắc dễ nhớ là nguyên tắc 4-3-2, theo đó mỗi ngày trẻ cần ăn 400 gram rau, 3 loại rau khác biệt, và 2 loại quả mỗi ngày. Để khuyến khích trẻ ăn rau, phụ huynh có thể thử một vài cách sau:
- Kiên nhẫn tập cho con làm quen dần với các loại rau củ quả thay vì căng thẳng, nổi nóng và biến bữa ăn thành cuộc chiến.
- Làm gương để trẻ bắt chước: Khi cha mẹ ăn nhiều rau, trẻ sẽ quan sát và học theo, vì thế phụ huynh cũng nên xem lại các lựa chọn dinh dưỡng của chính mình.
- Tạo hứng khởi cho trẻ qua các trò chơi, câu chuyện thú vị hay những món ăn được trang trí bắt mắt, có hình thù vui nhộn, các bộ chén bát nhiều màu sắc.
- Cho trẻ làm quen dần với rau củ bằng cách khởi động với các loại rau củ nhiều tinh bột và có vị ngọt, như vậy trẻ sẽ thoải mái tiếp nhận hơn. - Cho trẻ tham gia nấu ăn để trẻ có thêm động lực thử những món ăn mới. Hướng dẫn trẻ làm một số công đoạn đơn giản như rửa rau, nhặt rau, sắp xếp trái cây lên đĩa, đồng thời giải thích để trẻ hiểu ý nghĩa của việc mình làm. Như vậy đến bữa ăn trẻ sẽ cảm thấy hào hứng muốn thưởng thức "thành quả" do mình tự tay làm ra.
Tương lai của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào hành động của bố mẹ mà đặc biệt là chất lượng của những bữa ăn gia đình. Vì thế hãy từng bước tập cho trẻ thói quen ăn uống cân bằng hơn, bắt đầu từ việc ăn đủ rau mỗi ngày.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn