Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttps://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ ba - 30/05/2023 03:23
Bảo hiểm Y tế (viết tắt là BHYT) là một trong những giải pháp bền vững giúp người nhiễm HIV/AIDS bảo đảm cho họ được tiếp cận với thuốc ARV liên tục, suốt đời.
* Lợi ích trong việc điều trị ARV BS Trần Văn Phúc, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ cho biết: Lợi ích của điều trị ARV là giảm tỷ lệ ốm đau bệnh tật (nhiễm trùng cơ hội, các bệnh lý khác); dự phòng lây truyền HIV, bao gồm cả lây truyền HIV từ mẹ sang con và giảm tỷ lệ tử vong liên quan tới HIV. Theo thống kê của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, hiện Cần Thơ có 6 phòng khám ngoại trú người lớn, 1 phòng khám ngoại trú nhi để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Trong quý I/2023, có 161 bệnh nhân mới được điều trị ARV (trong thành phố là 81 người, còn lại là người ngoài thành phố). Cộng dồn, tổng số người nhiễm HIV đang được điều trị ARV là 4.937 người (trong đó có 77 trẻ em), gồm 3.435 người trong thành phố và 1.502 người ngoài thành phố.
Khi người nhiễm HIV tuân thủ điều trị, tải lượng vi rút giảm. Nếu tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu) thì không lây truyền HIV cho người khác qua quan hệ tình dục đồng giới, khác giới. Người mẹ nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV, tải lượng vi rút đạt ngưỡng ức chế hay không phát hiện được cũng làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV cho con trong quá trình mang thai và cho con bú. Bác sĩ Trần Văn Phúc cho biết: “Khi tư vấn cho người nhiễm, chúng tôi khuyên nên tuân thủ uống thuốc ARV, uống đến khi nào có thuốc mới thay thế, trị hết bệnh thì mới ngưng. Nếu tuân thủ điều trị ARV, người nhiễm có tuổi thọ gần như người bình thường”. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, hiện nay tỷ lệ tử vong giảm nhưng tỷ lệ nhiễm mới có tăng ở nhóm đối tượng. Nam giới chiếm hầu như đa số trên tổng số ca nhiễm HIV mới được phát hiện (90%). Đa số người nhiễm HIV có độ tuổi tập trung từ 16-35 tuổi. Trong những năm gần đây, có dấu hiệu gia tăng ở nhóm tuổi trẻ từ 16-25 tuổi. Đường lây truyền chủ yếu là qua quan hệ tình dục. Trong những năm gần đây, tỷ lệ người nhiễm HIV được phát hiện thuộc đối tượng MSM tiếp tục gia tăng. Đây cũng là xu thế chung của cả nước, cần phải can thiệp sâu, rộng, mạnh hơn ở nhóm này trong thời gian sắp tới. * Phát huy vai trò của BHYT Cùng với các biện pháp y tế thông thường, những năm qua, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc ARV, giúp bảo vệ sức khỏe người bệnh và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Khi sử dụng thuốc, bệnh nhân có đủ sức khỏe, thể lực, sống và lao động bình thường như những người khác, nhờ đó, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nguồn viện trợ từ nước ngoài hiện không còn, trong khi việc điều trị của người nhiễm HIV đòi hỏi quá trình lâu dài, chi phí tốn kém. Trước bối cảnh đó, BHYT là giải pháp tối ưu bảo đảm cho người nhiễm HIV duy trì điều trị đều đặn. Nếu tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ được chi trả từ 80% chi phí khám, chữa bệnh, bao gồm cả chi phí mua thuốc ARV. Người nhiễm HIV thực hiện khám, chữa bệnh tại tuyến xã hoặc thuộc đối tượng diện nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi... sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh. Thời gian qua, ngành y tế đã kiện toàn các cơ sở điều trị và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thanh toán khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho người bệnh về lợi ích khi tham gia BHYT và hỗ trợ mua thẻ BHYT cũng như triển khai các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng để người nhiễm HIV yên tâm điều trị. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với ngành y tế xây dựng, ký hợp đồng khám, chữa bệnh bằng BHYT với các cơ sở điều trị HIV/AIDS. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc từ nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị. Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể tiếp tục sống, học tập và lao động. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, cần đẩy nhanh việc thực hiện thanh toán khám, chữa bệnh BHYT đối với bệnh nhân điều trị ARV, đặc biệt là thanh toán xét nghiệm tải lượng virút thông qua BHYT..., đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người có HIV tích cực tham gia BHYT để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Điều trị ARV ở người nhiễm HIV, những điều cần biết Đối với người nhiễm HIV, liệu pháp điều trị ARV là một phần quan trọng trong việc kiểm soát nhiễm trùng, hỗ trợ sức khỏe, duy trì hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm… Thuốc ARV (Anti-Retro-Viral viết tắt là ARV– tức là thuốc kháng HIV) là nhóm gồm nhiều loại thuốc khác nhau có men sao chép ngược có khả năng ức chế sự phát triển của HIV. Hiện nay thuốc sử dụng rộng rãi trong cả điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV... Hầu hết người nhiễm HIV đang điều trị ARV hiện nay vẫn khỏe mạnh, lao động, học tập, có gia đình hạnh phúc, sinh con khỏe mạnh bình thường. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, một người nhiễm HIV, được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) và khi đạt tải lượng vi rút ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục rất thấp từ không đáng kể đến không có nguy cơ. Tải lượng vi rút không phát hiện được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Điều này có ý nghĩa là, một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khỏe cho người sống chung với HIV và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình.