Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttps://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ tư - 17/03/2021 20:57
Chiều 16/3/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ đã đến kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường Long Hưng, quận Ô Môn.
Đoàn đã đến kiểm tra thực tế và làm việc với Trạm Y tế phường Long Hưng, quận Ô Môn nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, hoạt động phối hợp, giám sát, xử lý ổ dịch phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Theo báo cáo của địa phương, số trường hợp mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 12 ca, tập trung ở khu vực Long Hòa (4 ca), Phú Luông (5 ca). Trạm Y tế phường Long Hưng đã nhanh chóng xử lý ca bệnh, kiểm tra lăng quăng, phun thuốc và tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết đến với người dân.
BS.CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ cho biết: Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết ở phường Long Hưng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chỉ đạo Trạm Y tế nhanh chóng xử lý ổ dịch, phun thuốc ổ dịch và cả vùng lân cận. Sau đó, Trung tâm cũng cử cán bộ xuống điều tra mật độ muỗi, đánh giá hiệu quả phun thuốc. Toàn ngành Y tế đang tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19, tuy nhiên không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương, nhất là đối với các bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng… Đồng thời, đề nghị Trung tâm Y tế quận Ô Môn hỗ trợ phường xử lý ổ dịch đúng quy định, chỉ đạo hướng dẫn ghi chép biên bản đầy đủ, duy trì theo dõi và cập nhật biểu đồ dịch tễ trên địa bàn.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: 1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. 2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. 3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... 4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. 5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. 6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.