Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”

Thứ bảy - 25/11/2023 04:20
Cộng đồng là những ai?
Cộng đồng cần được hiểu rộng, bao gồm các Bộ ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, các khu công nghiệp, các tổ chức cộng đồng, các cộng đồng đích: công nhân lao động, học sinh sinh viên, đặc biệt là các nhóm có hành vi nguy dễ lây nhiễm HIV: Nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người nghiện chích ma túy, mại dâm, bạn tình của các nhóm trên.
Tại sao cần phải sáng tạo trong phòng, chống HIV/AIDS?
Sau 30 năm phòng, chống HIV/AIDS, có rất nhiều sáng kiến hay, mô hình hiệu quả đã được áp dụng trong truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, trong tiếp cận dịch vụ từ dự phòng lây nhiễm HIV, can thiệp giảm hại đến điều trị liên quan đến HIV/AIDS. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, có những thay đổi về các yếu tố dịch tễ HIV/AIDS, nguồn lực phòng chống HIV/AIDS, hệ thống tổ chức cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, cùng với sự hiểu biết của người dân về HIV, sự chia sẻ đồng cảm với người nhiễm HIV và các quần thể đích được nâng lên trong sự phát triển chung của toàn xã hội thì công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp.
Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là như thế nào?
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. 
Chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Cụ thể, Việt Nam đạt được các tiêu chí sau:
- Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm (Hiện nay >10.000 trường hợp/năm).
- Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân (Hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân).
- Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% (Hiện nay 6%).
Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt  dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Đứng trước tình hình dịch HIV/AIDS còn nhiều thách thức, Bộ Y tế đã có những văn bản đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS ở trường học và các khu công nghiệp. Ngành Y tế các tỉnh/thành phố tăng cường phối hợp với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích để cung cấp dịch vụ HIV/AIDS toàn diện.
Đối với các trường đại học, trung học chuyên nghiệp: các hoạt động truyền thông tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các sự kiện truyền thông lớn và các buổi offline với quy mô vừa và nhỏ cần được triển khai thường xuyên hơn, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố có tình hình dịch HIV/AIDS cao như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương…
Đối với Ngành y tế và Liên đoàn lao động các tỉnh/thành phố: cần có kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như truyền thông và cung cấp dịch vụ dự phòng và xét nghiệm HIV cho doanh nghiệp, công nhân, lao động. Truyền thông tập trung vào một số nội dung như: hiểu biết về HIV/AIDS và các biện pháp phòng tránh; tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV... Tổ chức phân phát ấn phẩm truyền thông, các hội thảo, sự kiện và các hình thức truyền thông phù hợp khác về phòng, chống HIV/AIDS tại các công ty thuộc các khu công nghiệp có nhiều nam công nhân.
Trong những năm qua, các tổ chức cộng đồng đã tích cực và sáng tạo tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, cung cấp các dịch vụ xét nghiệm không chuyên, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV, chuyển gửi người có hành vi nguy cơ cao đến cơ sở y tế nhận các dịch vụ HIV/AIDS như làm xét nghiệm khẳng định HIV, điều trị ARV, điều trị methadone, điều trị PREP. Các tổ chức cộng đồng có đã đóng góp phát hiện mới hơn 50% số người nhiễm HIV, giới thiệu phần lớn khách hàng nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng PREP, là cầu nối giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, đóng góp vào việc giảm kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV.
Các cơ sở y tế triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS đều có liên kết với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích. Vai trò của đội ngũ này như cánh tay nối dài của các cơ sở y tế đặc biệt hiệu quả khi dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang tập trung chủ yếu ở các nhóm có hành vi nguy cơ như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nghiện chích ma túy và mại dâm.
 
KHẨU HIỆU THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA
PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS NĂM 2023
  1. Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!
  2. Tuổi trẻ sáng tạo - hành động vì một Việt Nam không còn AIDS!
  3. Tuổi trẻ chung vai, vì ngày mai không còn HIV/AIDS!
  4.  Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn!
  5. Xét nghiệm HIV sớm là để bảo vệ chính mình và người thân!
  6. Tuân thủ điều trị ARV để đạt được K=K!
  7. Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần. 
  8. Điều trị ARV sớm giúp khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV!
  9. Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục suốt đời!
  10. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!
  11. Hãy sử dụng bao cao su để bảo vệ cho bạn và người thân!
  12. Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV!
  13. Dự phòng và điều trị HIV/AIDS – Không để ai bỏ lại phía sau!
  14. PrEP giúp bạn dự phòng lây nhiễm HIV!
  15. Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!
  16. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2023!
  17. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023!
 

Nguồn tin: Ths. Dáp Thanh Giang, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, CDC Cần Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập325
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm324
  • Hôm nay23,823
  • Tháng hiện tại368,046
  • Tổng lượt truy cập23,144,773
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây