* Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM vẫn còn cao
Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên là người Cần Thơ được phát hiện năm 1992, lũy tích tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2023, tổng số người nhiễm HIV phát hiện được có hộ khẩu tại thành phố Cần Thơ là 7.474 người, trong đó tử vong 2.719 người, số người còn sống là 4.755 người. Trong 9 tháng đầu năm 2023, thành phố xét nghiệm mới phát hiện 252 người, tử vong 21 người và không có trường hợp chuyển AIDS. So với cùng kỳ năm 2022, số người nhiễm HIV giảm 93 người, số chuyển sang AIDS giảm 04 người và số tử vong giảm 17 người.
Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV trong 9 tháng đầu năm 2023, chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục chiếm 95,3%. Về phân bố theo nhóm tuổi chủ yếu tập trung trong nhóm tuổi từ 15-49 tuổi chiếm 92,0%, điểm đáng lưu ý là đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tới 65,5% trong tổng số người nhiễm HIV phát hiện được trong năm 2023.
Kết quả giám sát trọng điểm HIV trong những năm gần đây, cho thấy tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy (giảm từ 18,0% năm 2019 xuống 11,0% năm 2023) và phụ nữ bán dâm (ổn định trên dưới 4,0%) có xu hướng giảm, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất cao 20,3% năm 2019 và 16,3% năm 2022 (tỷ lệ hiện nhiễm nhóm MSM trung bình cả nước là 12,5% năm 2022).
Dịch HIV/AIDS tại Cần Thơ đang có xu hướng giảm nhưng hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi, xuất hiện các nhóm quần thể có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV mới. Trong đó, nhóm MSM đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Cần Thơ hiện nay. Trong nhóm này nguy cơ lây nhiễm HIV chủ yếu ở người trẻ tuổi, học sinh sinh viên có hành vi không an toàn như: không sử dụng bao cao su, sử dụng ma túy khi quan hệ tình dục (chemsex), quan hệ tình dục với nhiều người…
Trong khi đó, hiện tại chúng ta vẫn đang phải đối diện với sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV, nhất là với nhóm MSM. Đây chính là một rào cản khiến những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm HIV lẩn tránh, không tiếp cận điều trị, khiến dịch HIV tiềm ẩn và khó kiểm soát. Mặc khác, sự cắt giảm về các nguồn lực viện trợ quốc tế sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống HIV/AIDS và sự thay đổi hình thái dịch HIV từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng khiến cho việc ứng phó càng khó khăn hơn.
* Giải pháp trong thời gian tới
Trong thời gian tới cần tập trung nguồn lực để duy trì thực hiện các hoạt động then chốt, nhất là hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến quận, huyện và phường, xã. Củng cố chất lượng hoạt động các phòng tư vấn xét nghiệm HIV trên địa bàn, tập trung tư vấn, tăng cường hoạt động tư vấn khai thác bạn tình bạn chích của người nhiễm xét nghiệm HIV, tiếp tục mở rộng mô hình tự xét nghiệm HIV tại cộng đồng; chuyển gửi điều trị ARV sớm và tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện có hiệu quả hoạt động đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV góp phần khống chế sự lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Ngoài ra, cần sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AID cũng như tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS…
Bên cạnh đó, chúng ta cần triển khai và khai thác có hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý thông tin người nhiễm HIV INFO giúp hỗ trợ trong việc quản lý, rà soát và tạo cơ sở dữ liệu HIV tập trung, bao gồm dữ liệu các chương trình HIV và dữ liệu người nhiễm HIV đang quản lý; tăng cường kết nối và liên thông dữ liệu sẵn có để tạo thành một hệ thống tập trung từ xét nghiệm, giám sát đến điều trị, giúp hỗ trợ công tác theo dõi, giám sát diễn biến dịch HIV/AIDS, theo dõi tác động của các chương trình HIV và cảnh báo nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho hệ thống đáp ứng y tế công cộng.