Bệnh sởi là tác nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Trẻ bị sởi thường chán ăn, bỏ ăn hoặc từ chối bữa ăn do đau hoặc bị viêm loét ở miệng, tình trạng nhiễm trùng hoặc nôn ói, tiêu chảy. Dẫn đến sức đề kháng suy giảm, bệnh nhân dễ bị các biến chứng của sởi (thường xảy ra ở trẻ suy dinh dưỡng).
Vai trò của vitamin A
Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo, có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và bệnh khô mắt.
Vitamin A giúp duy trì cấu trúc của răng, niêm mặc và da, biệt hóa tế bào. Khi thiếu Vitamin A, các nhung mao bị thưa và mất đi. Vì vậy, trẻ kém hấp thu chất dinh dưỡng trong ruột và rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Vitamin A có vai trò miễn dịch: giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Thiếu Vitamin A, trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn và thường kéo dài hơn.
Ngoài ra, vitamin A đảm bảo sự phát triển bình thường của cơ và xương. Khi bị thiếu Vitamin A, trẻ bị chậm phát triển về thể chất hơn so với những trẻ bình thường cùng lứa tuổi.
Vì sao bệnh nhân mắc sởi cần bổ sung vitamin A?
Bệnh sởi làm tăng nhu cầu sử dụng vitamin A của cơ thể, dẫn đến trẻ thiếu vitamin A. Trẻ bị giảm khả năng miễn dịch, giảm sức chống chịu bệnh tật, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác, thời gian bệnh kéo dài và gây tử vong ở trẻ.
Thiếu vitamin A có thể gây khô mắt, quáng gà, viêm loét giác mạc, thậm chí gây mù vĩnh viễn.
Ngoài ra, trẻ em bị sởi được bổ sung vitamin A kịp thời giúp làm giảm độ nặng của các biến chứng nguy hiểm do sởi gây ra (như tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường hô hấp).
Bộ Y tế đã hướng dẫn sử dụng vitamin A liều cao trong hỗ trợ điều trị cho trẻ mắc Sởi trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Sởi ban hành kèm theo Quyết định số 1327/QĐ-BYT ngày 18/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tuy vậy, cha mẹ không tự ý mua bổ sung vitamin A cho trẻ, việc bổ sung liều lượng bao nhiêu phù hợp với từng người bệnh cần có chỉ định của bác sĩ, nếu tùy tiện có thể sẽ gây hại cho trẻ.
Tăng cường sử dụng nguồn thực phẩm giàu vitamin A trong các bữa ăn cho trẻ
Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ: Cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn lúc trẻ chưa bệnh, kết hợp ăn bổ sung hợp lý nếu trẻ đang ăn dặm. Sữa mẹ có đủ các vitamin (A, B1, B2, C …) và những kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp …
Cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm cung cấp chất đường bột, chất đạm, chất béo và vitamin-khoáng chất thiết yếu).
Tăng cường cho trẻ ăn các loại rau, quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, …) và các loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, rau dền, cải bó xôi, xúp lơ xanh…). Trong các loại rau này có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C… giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương.
Sử dụng thực phẩm chứa nhiều vitamin A nguồn gốc từ động vật, kết hợp trong các bữa ăn: Gan động vật, lòng đỏ trứng, cá,…. là các thực phẩm có nguồn gốc động vật chứa hàm lượng vitamin A đáng kể.
Vitamin A là một trong số các vitamin tan trong dầu, nên trong chế độ ăn của trẻ cần bổ sung đủ lượng dầu, chất béo để giúp vitamin A được hòa tan và cơ thể hấp thu.