Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttps://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ sáu - 10/11/2023 04:08
Ngày 10/11/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị khoa học y tế dự phòng TP Cần Thơ mở rộng năm 2023. Tham dự hội nghị có PGS.TS Đặng Văn Chính, Viện Trưởng Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh; TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh; TS Lê Trung Kiên, Viện Sốt rét - Kí sinh trùng Trung ương; Thầy thuốc nhân dân, BS.CII Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ; BS.CKII Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ; BS.CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ cùng hơn 200 đại biểu là lãnh đạo Sở Y tế, CDC, bệnh viện, trung tâm y tế, các trường đại học y dược trên địa bàn thành phố Cần Thơ và các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Hội nghị khoa học y tế dự phòng TP Cần Thơ mở rộng năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong lĩnh vực y tế dự phòng, góp phần nâng cao năng lực dự báo, phát hiện sớm, khống chế dịch bệnh kịp thời, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân của khu vực nói chung và của thành phố Cần Thơ nói riêng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, BS.CKII Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Y tế dự phòng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh, hàng năm giúp khống chế và đẩy lùi nhiều dịch bệnh mới và tái nổi, giảm tỷ lệ mắc và tử vong của nhiều bệnh nhiễm trùng, góp phần nâng cao chất lượng sống, tăng tuổi thọ cho người dân. Tại TP Cần Thơ, mạng lưới y tế dự phòng đã được xây dựng ổn định từ tuyến thành phố đến cơ sở, đào tạo nhiều cán bộ có kỹ năng và kiến thức vững vàng trong công tác dự phòng. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, lực lượng cán bộ y tế dự phòng còn tham gia tốt nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến được thực hiện đã giúp công tác phòng chống dịch bệnh tốt hơn. Lãnh đạo Sở Y tế TP Cần Thơ hi vọng trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng và CDC Cần Thơ tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện y đức, góp sức xây dựng CDC và chuyên ngành y tế dự phòng ngày càng lớn mạnh, phát triển, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tại hội nghị dịp này, các báo cáo viên đã trình bày 17 đề tài, nghiên cứu khoa học ở phiên toàn thể và phiên báo cáo. Các đề tài nghiên cứu tập trung vào những vấn đề nổi cộm trong công tác dự phòng như: tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, HIV/AIDS, cúm mùa, lao tiềm ẩn, quản lý nước thải y tế, thực trạng chất lượng nước sạch, dinh dưỡng, nuôi con bằng sữa mẹ, hiệu lực bảo vệ, tính an toàn của vắc xin; mô hình bệnh truyền nhiễm và thay đổi khí hậu... Tài liệu Hội nghị khoa học y tế dự phòng thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2023 cũng tập hợp 34 bài báo cáo khoa học chia sẻ những thông tin, kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong lĩnh vực y tế dự phòng. Đây là lần đầu tiên CDC Cần Thơ tổ chức Hội nghị khoa học y tế dự phòng thành phố Cần Thơ mở rộng mang tầm khu vực đánh dấu kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm (11/2018-11/2023).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Cần Thơ được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị dự phòng tuyến thành phố gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường; chức năng nhiệm vụ thực hiện theo Thông tư số 26/2017/TT-BYT ngày 26 tháng 06 năm 2017 của Bộ Y tế. Bộ máy tổ chức hiện có 14 khoa, phòng, gồm 3 phòng chức năng và 11 khoa chuyên môn với 165 cán bộ, nhân viên y tế.
Sau 5 năm thành lập, mặc dù, bước đầu còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất chật hẹp, nhân lực ở một số khoa/phòng còn thiếu,… song với sự quyết tâm của tập thể công chức, viên chức toàn đơn vị CDC Cần Thơ đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, duy trì hiệu quả công tác chuyên môn y tế dự phòng, đổi mới, phát triển cả về qui mô và chức năng, nhiệm vụ theo hướng toàn diện, chăm sóc sức khỏe lấy con người làm trung tâm, bao gồm kiểm soát yếu tố nguy cơ, phòng chống bệnh tật, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Y tế, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Sở Y tế và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, đoàn thể; sự đầu tư từ nhiều nguồn; đồng thời phát huy các thế mạnh sẵn có từ nguồn nhân lực, máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, nhất là sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ viên chức, CDC từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức sau những năm đầu sáp nhập, hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trung tâm chủ động phòng chống dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Kiểm soát tốt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không xảy ra trường hợp như mắc bệnh tả, dịch hạch; không để xảy ra bệnh sốt rét, dại; các bệnh thương hàn, viêm não vi rút, viêm màng não do não mô cầu được kiểm soát tốt; loại trừ uốn ván sơ sinh, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi hàng năm tại TP Cần Thơ đạt trên 97%. Bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tuy diễn biến phức tạp nhưng Trung tâm đã kịp thời và chủ động khống chế. Nhiều năm không có dịch lớn xảy ra; triển khai hiệu quả các chương trình dự án, chương trình mục tiêu y tế - dân số… Bên cạnh việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, các vấn đề sức khỏe môi trường, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kiểm soát bệnh không lây nhiễm, phòng chống HIV/AIDS… cũng được CDC chú trọng và đẩy mạnh thông qua việc phát triển mạng lưới, thực hiện giám sát phát hiện các nguy cơ. Công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm thực hiện, tổng số đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến cấp cơ sở đã thực hiện từ khi thành lập đến năm 2022 là 55 đề tài, trong đó xếp loại xuất sắc và giỏi có 30 đề tài, loại khá có 19 đề tài.
Đặc biệt trong giai đoạn 3 năm chống dịch COVID-19, CDC Cần Thơ đã luôn khẳng định được vai trò đầu ngành trong công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch; trực tiếp tham mưu cho UBND, Sở Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; là đơn vị đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19. Đội ngũ cán bộ y tế của CDC Cần Thơ không ngại khó khăn, nguy hiểm, trực tiếp tham gia ở tuyến đầu chống dịch, từ giám sát, truy vết, xử lý dịch, xét nghiệm đến thống kê báo cáo, tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19… Để đạt được những thành quả trên, phải nhắc đến sự đóng góp công sức rất lớn của các thế hệ lãnh đạo, đội ngũ công chức, viên chức 5 trung tâm tuyến thành phố trước đây- những cán bộ tiền nhiệm và đương nhiệm của CDC ngày nay; sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Bộ Y tế, UBND và Sở Y tế… Với những thành tựu đã đạt được, CDC đã được UBND thành phố Cần Thơ tặng Bằng khen Tập thể đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2021; danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc năm 2022. Trong công tác phòng chống dịch COVID-19: CDC Cần Thơ cũng được nhận bằng khen của UBND thành phố năm 2020 và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2021; 04 tập thể khoa/phòng và trên 50 cá nhân được nhận bằng khen của UBND thành phố trong năm 2020 và 2021; 01 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với sự xâm nhập các tác nhân từ bên ngoài, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu, thời gian tới CDC tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng; đảm bảo đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện sớm và khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tử vong ở một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.