Khám phụ khoa và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho chị em phụ nữ tại huyện Cờ Đỏ

Thứ sáu - 14/06/2024 06:55
Ngày 12/6/2024, các bác sĩ Khoa Sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ đã thực hiện khám miễn phí phụ khoa và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho các chị em phụ nữ độ tuổi từ 21 - 70 tuổi tại huyện Cờ Đỏ.
Các bác sĩ Khoa Sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ khám miễn phí phụ khoa và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho các chị em phụ nữ tại huyện Cờ Đỏ
Các bác sĩ Khoa Sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ khám miễn phí phụ khoa và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho các chị em phụ nữ tại huyện Cờ Đỏ
Tại buổi khám, các chị em đã được khám phụ khoa, làm test VIA (quan sát cổ tử cung bằng mắt thường với dung dịch axit acetic 3-5%), Pap’smear sàng lọc ung thư cổ tử cung, siêu âm vú, siêu âm tổng quát; siêu âm tuyến giáp, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản và cấp thuốc điều trị cho tất cả các trường hợp phụ nữ được chẩn đoán có viêm nhiễm phụ khoa. Các bác sĩ cũng hướng dẫn điều trị cho tất cả các trường hợp chẩn đoán VIA dương tính; tư vấn hướng dẫn điều trị cho tất cả các trường hợp viêm nhiễm phụ khoa và tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Đợt này, đoàn đã tiếp nhận khám phụ khoa; siêu âm cho 210 người, trong đó siêu âm tổng quát: 90 lượt, siêu âm vú: 190 lượt, siêu âm tuyến giáp 40 lượt người; xét nghiệm Pap’smear: 200 người.
kham suc khoe 2
BS.CKI Trần Thị Thu Hồng, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, CDC Cần Thơ tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ

Tính đến ngày 12/6/2024, Khoa Sức khoẻ sinh sản đã khám và tư vấn cho trên 685 lượt phụ nữ tại 4 quận/ huyện: Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Thốt Nốt và Cờ Đỏ. Trong đó, 50% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc các bệnh phụ khoa như: viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, polip cổ tử cung… Qua siêu âm phát hiện nhiều chị em mắc gan nhiễm mỡ, bệnh lý tuyến vú và tuyến giáp… Những trường hợp mắc bệnh được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn điều trị tiếp theo.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến và nguy hiểm hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới. Nếu phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, đa phần bệnh không được phát hiện sớm do triệu chứng không rõ ràng. Tại Việt Nam, căn bệnh này đang có dấu hiệu trẻ hóa “thần tốc” về độ tuổi, hy hữu nhất là trường hợp 14 tuổi đã phát hiện mắc ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư xảy ra ở các tế bào lót của cổ tử cung. Cổ tử cung là phần dưới của tử cung (dạ con), nối tử cung với âm đạo. Cổ tử cung được bao phủ một lớp mô mỏng được tạo thành từ các tế bào ở cổ tử cung. Ung thư bắt đầu khi các tế bào lót ở cổ tử cung phát triển không kiểm soát và lấn át các tế bào thường, tạo thành khối u trong cổ tử cung.
* Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Bệnh ung thư cổ tử cung bắt đầu với những thay đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, thường phát triển âm ỉ trong thời gian dài (mất vài năm), thường do nhiễm virus HPV.
Phụ nữ từ 35 đến 44 tuổi dễ mắc ung thư cổ tử cung. Hơn 15% trường hợp mắc mới được ghi nhận là ở phụ nữ trên 65 tuổi, đặc biệt là ở những trường hợp không được khám sàng lọc ung thư thường xuyên.
* Thời gian ủ bệnh ung thư cổ tử cung
Thông thường thời gian ủ bệnh của các loại ung thư là khá lâu, trung bình khoảng 10 năm. Một số loại ung thư có thời gian ủ bệnh ngắn hơn. Đối với ung thư cổ tử cung thời gian ủ bệnh thường hơn 10 năm. Trong thời gian này, những triệu chứng thường không rõ ràng nên rất khó phát hiện.
* Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu và tiền ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi khối u ác tính trở nên lớn hơn và di căn vào các mô lân cận, các dấu hiệu ung thư cổ tử cung sẽ xuất hiện.
Các dấu hiệu thường gặp:
Chảy máu âm đạo bất thường: Chảy máu sau khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, chảy máu sau khi mãn kinh, chảy máu rỉ rả giữa các kỳ kinh hoặc kinh nguyệt kéo dài hơn so với chu kỳ bình thường.
Tiết dịch bất thường từ âm đạo: Dịch tiết có thể chứa một ít máu và có thể xảy ra giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh; Đau khi quan hệ tình dục; Đau ở vùng xương chậu.
Sau khi di căn: Sưng chân; Khó đi tiểu hoặc đi tiêu; Có máu trong nước tiểu; Suy thận; Đau xương; Giảm cân và chán ăn; Mệt mỏi.
*Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung:
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung do mắc HPV, như: nhiều bạn tình, bạn tình quan hệ với nhiều người, quan hệ tình dục dưới 18 tuổi. Một người có tiền sử bị loạn sản cổ tử cung hay gia đình có người thân từng bị ung thư cổ tử cung cũng là các yếu tố nguy cơ cao. Một số yếu tố nguy cơ cao khác là thói quen hút thuốc lá, bị mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia, hệ thống miễn dịch suy yếu…
Những yếu tố liên quan đến tiền sử tình dục cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, gồm: hoạt động tình dục khi còn trẻ (đặc biệt là dưới 18 tuổi), có nhiều bạn tình, có một bạn tình nhưng lại có yếu tố nguy cơ cao (bị nhiễm HPV hoặc người này có nhiều bạn tình).
* Phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Hai yếu tố quan trọng nhất theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ASC) là chủng ngừa HPV và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm những thay đổi của tế bào cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung thường bắt đầu với những thay đổi tiền ung thư. Do đó, có thể ngăn chặn ung thư bằng cách phát hiện và điều trị tiền ung thư hoặc thực hiện các biện pháp ngăn chặn tiền ung thư.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ đang triển khai tiêm 2 loại vắc xin phòng ung thư cổ tử cung gồm vắc xin Gardasil và Gardasil 9. Vắc xin Gardasil có hiệu quả trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản, mụn cóc sinh dục, các bệnh lý gây ra do 4 tuýp virus HPV gồm 6, 11, 16, 18. Trong khi đó vắc xin thế hệ mới Gardasil 9 là vắc xin phòng HPV đầu tiên dành cho nam và nữ từ 9 đến 45 tuổi có hiệu quả phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh như: ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, mụn cóc sinh dục, các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản gây ra do 9 tuýp HPV tuýp 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Bên cạnh đó khuyên bệnh nhân không hút thuốc là cách phòng ngừa rất quan trọng để giảm nguy cơ tiền ung thư cổ tử cung và ung thư cổ tử cung. Đồng thời có một lối sống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa khả năng bị ung thư cổ tử cung; nên có chế độ nghỉ ngơi, vận động hợp lý; không quan hệ tình dục quá sớm, không lạm dụng thuốc tránh thai; vệ sinh âm hộ sạch sẽ ngăn ngừa virus HPV.
Xét nghiệm Pap và xét nghiệm tìm virus gây u nhú ở người (HPV) được sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung. Nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần từ tuổi 21. Nếu từ 30 đến 65 tuổi, nên thực hiện xét nghiệm Pap và xét nghiệm virus HPV 5 năm một lần.
Tỷ lệ sống sót là gần 100% khi phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, điều trị kịp thời các biến đổi tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn đầu. Do đó, tầm soát ung thư cổ tử cung và tiêm vắc xin ngừa virus HPV là cách hiệu quả để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.

Nguồn tin: BS.CKI Trần Thị Thu Hồng - Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, CDC Cần Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
CacdichvuCDC
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
Bảng giá vắc xin
BannerPhunHoaChat
Tin mới
Thống kê
  • Đang truy cập97
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm64
  • Hôm nay6,275
  • Tháng hiện tại286,643
  • Tổng lượt truy cập20,996,045
Slide web CDC 1 2023 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây