Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe

Thứ năm - 09/12/2021 02:34
Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO), thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.
Các cơ sở y tế treo bảng cấm hút thuốc lá. Ảnh: Duy Lê
Các cơ sở y tế treo bảng cấm hút thuốc lá. Ảnh: Duy Lê
Thuốc lá gây hại sức khỏe
Hút thuốc lá sẽ gây tác hại đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Bệnh lý hàng đầu do thuốc lá gây ra là ung thư (chiếm tới 30%), trong đó cao nhất là ung thư phế quản, kế đến là các ung thư thanh quản, vòm hầu, khoang miệng, thực quản, dạ dày, tụy tạng, bàng quang, thận, cổ tử cung và ung thư vú ở nữ… So với những người không hút thuốc lá, người hút thuốc lá thường xuyên tăng nguy cơ ung thư phế quản gấp 15 lần, hầu - thanh quản gấp 10 lần, thực quản gấp 7 lần, khoang miệng và thận gấp 4 lần, bàng quang gấp 3 lần, tụy tạng gấp 2 lần. Người hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc ung thư máu, ung thư não cao hơn người bình thường, đặc biệt là ở trẻ em khi bị tiếp xúc với thuốc lá thụ động từ trong bào thai hay lúc bé. Hút thuốc lá còn gây ra các bệnh lý khác như: Phổi tắc nghẽn mạn tính; bệnh tim mạch (bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, tai biến mạch máu não, thuyên tắc mạch chi dưới); bệnh lý đường tiêu hóa như loét dạ dày, tá tràng; giảm chức năng sinh sản ở nam và nữ; ảnh hưởng đến thai kỳ; gây một số bệnh cho trẻ khi tiếp xúc thụ động với loại thuốc này.
Trong một điếu thuốc lá có chứa từ 0,8 - 1g thuốc lá, bao gồm 10 - 20mg nicotine và hơn 2.500 chất hóa học khác nhau (đã được các nhà sản xuất thêm trong quá trình xử lý; các chất độc trong lá cây thuốc lá được tạo thành trong quá trình trồng như thuốc trừ sâu, thạch tín, cadmium...). Khi đốt điếu thuốc lá, con số 2.500 chất hóa học trong điếu thuốc đã chuyển thành 4.000 chất hóa học khác, được chia làm 4 nhóm là oxyde carbon, hắc ín, chất kích thích và nicotine. Trong đó, nicotine là chất gây nghiện mạnh cho người hút thuốc, khiến họ không thể bỏ hút, sẵn sàng chấp nhận các tác hại của thuốc lá để tiếp tục được hút.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay trên thế giới có khoảng 1,6 tỷ người hút thuốc lá. Thuốc lá làm chết một nửa số người sử dụng thường xuyên và hàng trăm ngàn người không hút thuốc lá khác. Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Trung bình mỗi giờ có 5 ca tử vong và mỗi năm có 40.000 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại. Gần 1/2 nam giới ở Việt Nam hút thuốc lá, 65% trong số này ở độ tuổi từ 25 - 45. Con số đáng báo động này đang có xu hướng ngày càng tăng nhanh và có nguy cơ trẻ hóa.
Chính những tác hại của thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi cộng đồng cần quan tâm việc nghiện chất nicotine có trong sản phẩm thuốc lá; các quốc gia cần sớm thực hiện những chính sách mạnh mẽ để bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Cai thuốc lá chưa bao giờ là muộn
Người thường xuyên hít phải khói thuốc tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 25-30%, mắc bệnh phổi lên 20-30% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng tỷ lệ viêm đường hô hấp dưới (như viêm phế quản, viêm phổi) và viêm tai giữa; làm tăng các triệu chứng của đường hô hấp mãn tính như hen; làm giảm sự phát triển của phổi và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.
Theo BS. CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, người hút thuốc lá muốn cai thuốc cần tư vấn về cai thuốc lá có thể xem thông tin trên website chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá quốc gia (http://vinacosh.gov.vn/vi/tu-van-cai-nghien-thuoc-la/); bên cạnh đó cần tạo động lực cho người cai thuốc lá để họ quyết tâm hơn; đồng thời môi trường sống, hành xử của người xung quanh tác động rất lớn đến việc hút thuốc, cũng như cai thuốc lá.
Trước những tác hại của thuốc lá, hãy bỏ thuốc lá ngay từ hôm nay để có một cơ thể khỏe mạnh. Theo phân tích của các nhà khoa học nếu chúng ta bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm được 50% nguy cơ tử vong trước 65 tuổi, giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi sau khi bỏ thuốc 10 năm. Vì một cộng đồng không khói thuốc và vì sức khỏe của mỗi người, chúng ta: đừng hút thuốc lá trong nhà, phòng làm việc; đừng hút thuốc lá nơi công cộng; đừng hút thuốc lá trước mặt trẻ em. Hãy để môi trường xung quanh không khói thuốc lá.
 
Tại Điều 11, 12 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định địa điểm cấm hút thuốc lá như sau:
Điều 11. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn
1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:
a) Cơ sở y tế;
b) Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:
a) Nơi làm việc;
b) Trường cao đẳng, đại học, học viện;
c) Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.
3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.
Điều 12. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá
1. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm:
a) Khu vực cách ly của sân bay;
b) Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch;
c) Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

2. Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;
b) Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát;
c) Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
3. Khuyến khích người đứng đầu địa điểm quy định tại khoản 1 Điều này tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.
4. Chính phủ quy định chuyển địa điểm tại khoản 1 Điều này thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà phù hợp với từng thời kỳ.

Nguồn tin: Bình Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập66
  • Hôm nay12,535
  • Tháng hiện tại46,803
  • Tổng lượt truy cập23,303,138
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây