Qua kết quả điều tra, các chỉ số BI, CI, HI và mật độ lăng quăng ở lần 1 lần lượt là: 17, 23,6%, 14% và 2,8 con/nhà; lần 2 lần lượt là: 31, 12,9%, 29% và 6,9 con/nhà.
Lần điều tra thứ nhất, tỷ lệ dụng cụ chứa nước có hiện diện lăng quăng/nhộng Aedes cao nhất là đồ vật phế thải, lu, khạp trên/dưới 100 lít và xô, thùng, chậu nhựa. Lần 2, các dụng cụ chứa nước nhiễm lăng quăng/nhộng Aedes tương tự lần 1, tuy nhiên có thêm dụng cụ chứa nước là phuy nhựa.
Để xác định nguồn chính sinh sản lăng quăng và nhộng Aedes ta dựa vào tỉ lệ tập trung lăng quăng/nhộng trong các dụng cụ chứa nước đã khảo sát, theo số liệu thu được tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, lăng quăng tập trung chủ yếu tại lu khạp trên/dưới 100 lít, đồ vật phế thải xung quanh nhà, xô thùng, chậu nhựa và phuy nhựa.
Nguồn nước nhiễm lăng quăng tại địa điểm khảo sát chủ yếu là nước mưa, và nước máy. Nguồn nước mưa có tỷ lệ nhiễm lăng quăng cao gấp 3 lần so với nước máy.
Kết quả định loại muỗi/lăng quăng cho thấy sự hiện diện của cả 02 loài Aedes aegypti và Aedes albopictus tại điểm khảo sát. Lăng quăng và muỗi Aedes aegypti có tỷ lệ cao hơn Aedes albopictus.
Dựa trên kết quả khảo sát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ kiến nghị địa phương cần tổ chức tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng nhằm bảo đảm BI nằm dưới ngưỡng quy định. Khi kiểm tra, giám sát đặc biệt chú ý đến các dụng cụ chứa nước là OBGN tại địa phương và có nguy sơ phát sinh lăng quăng/nhộng nhằm đảm bảo chiến dịch đạt hiệu quả sau xử lý. Đồng thời lưu ý đến sự hiện diện của véc tơ phụ Aedes albopictus. Bên cạnh đó, địa phương cần kết hợp truyền thông cho hộ gia đình các biện pháp diệt lăng quăng hiệu quả, khả thi để người dân chủ động diệt lăng quăng tại nơi ở: Nhắc nhở người dân thường xuyên dọn dẹp, thu gom và không để đọng nước các vật dụng linh tinh, đồ vật phế thải để ngoài nhà; đối với các dụng chưa nước là hồ, phuy, lu lớn... áp dụng biện pháp thả cá, đậy nắp kín, súc rửa ít nhất 01 lần/tuần, bịt kín nếu không sử dụng.