Dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (còn gọi là PrEP) là một chiến lược mới điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV đối với những người chưa nhiễm HIV, biện pháp này có khả năng giảm nguy cơ lây nhiễm tới 90%. Hiện nay, tại Việt Nam có hàng chục ngàn người đang sử dụng PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV và số người sử dụng PrEP chắc chắn sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
* PrEP không phải dùng suốt đời
Có thể ngừng sử dụng PrEP trong các trường hợp sau:
Thứ nhất: Quyền của khách hàng không muốn tiếp tục sử dụng PrEP: Vì các lý do cá nhân, có thể liên quan hoặc không liên quan đến thay đổi hành vi, tình trạng HIV hay tác dụng phụ của thuốc.
Thứ hai: Thầy thuốc chỉ định ngừng sử dụng PrEP trong các trường hợp sau:
- Nhiễm HIV
- Phản ứng có hại nghiêm trọng của thuốc
- Khách hàng thay đổi hành vi và không còn nguy cơ lây nhiễm HIV, ví dụ:
+ Luôn luôn sử dụng bao cao su đúng cách mỗi lần quan hệ tình dục;
+ Chỉ có một bạn tình có HIV âm tính và không có nguy cơ cao;
+ Dùng liệu pháp thay thế chất dạng thuốc phiện bằng methadone, không sử dụng chung bơm kim tiêm;
+ Vợ/chồng hoặc bạn tình nhiễm HIV đã điều trị ARV trên 6 tháng và có tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml.
+ Không có quan hệ tình dục nữa, vì vậy không có nguy cơ.
* Những việc cần làm khi khách hàng ngừng sử dụng PrEP
Khi khách hàng ngừng sử dụng PrEP vì bất kỳ lý do gì, cần thực hiện những việc sau:
- Xét nghiệm HIV nhanh đánh giá tình trạng HIV của khách hàng lúc ngừng sử dụng PrEP;
- Ghi rõ nguyên nhân ngừng sử dụng PrEP vào hồ sơ bệnh án;
- Đánh giá việc tuân thủ sử dụng thuốc PrEP trong vòng một tháng gần đây;
- Đánh giá hành vi nguy cơ cao gần đây (tình dục không an toàn, tiêm chích ma túy). Kê đơn cho khách hàng tiếp tục sử dụng PrEP trong vòng 28 ngày kể từ lần phơi nhiễm cuối cùng. Riêng đối với nam quan hệ tình dục đồng giới kê đơn thuốc PrEP thêm 2 ngày nữa kể từ lần quan hệ tình dục gần nhất.
- Hoàn thiện hồ sơ bệnh án.