Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết vào mùa mưa

Thứ hai - 14/06/2021 22:10
Vào mùa mưa là thời điểm muỗi sinh sản nhiều, kéo theo nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm bùng phát do muỗi, trong đó có bệnh sốt xuất huyết (SXH). Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngành Y tế TP Cần Thơ đã triển khai nhiều biện pháp, đồng thời kêu gọi người dân thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế để cùng phòng, chống bệnh SXH.
Người dân phát quang bụi rậm quanh nhà, tránh muỗi sinh sôi vào mùa mưa.
Người dân phát quang bụi rậm quanh nhà, tránh muỗi sinh sôi vào mùa mưa.
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch
Từ đầu năm đến ngày 10/6/2021, toàn TP Cần Thơ ghi nhận 517 ca sốt xuất huyết (SXH), số ca mắc tăng so với cùng kỳ; những quận/huyện có ghi nhận số ca mắc cao như quận Ninh Kiều, Thốt Nốt.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hiện nay, lực lượng y tế dự phòng từ cơ sở đến thành phố đang căng mình phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên vẫn tăng cường công tác giám sát, lồng ghép tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng chống SXH tại địa phương.
Ngay từ đầu năm, ngành Y tế đã phát hành văn bản tăng cường công tác phòng chống dịch chủ động; chú trọng công tác điều tra, giám sát chỉ số lăng quăng; nếu phát hiện các ổ dịch nhỏ sẽ phun hoá chất và dập dịch ngay, không để bùng phát dịch ra cộng đồng.
phong benh sot xuat huyet 2
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ kiểm tra lăng quăng tại các hộ dân trong đợt kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường Long Hưng, quận Ô Môn năm 2021

Trong thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để hạn chế số ca mắc SXH: phối hợp với các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH tại các xã, phường, thị trấn trong địa bàn thành phố; tăng cường xử lý các ổ dịch; đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng chống bệnh SXH đến người dân; vận động người dân thực hiện dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường xung quanh, diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng bệnh; thường xuyên súc rửa dụng cụ chứa nước sử dụng, thay nước trong các bình bông và loại bỏ nước đọng trong các vật chứa không cần thiết.
Diệt lăng quăng thường xuyên
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây ra, có thể gây thành dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc. Vi rút Dengue được truyền qua vết đốt của muỗi, muỗi đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt, chủ yếu là loài muỗi Aedes aegypti (hay còn gọi là muỗi vằn). Loài muỗi này hay đốt ban ngày, thường vào buổi sáng sớm và chiều tà, có thể đốt nhiều lần trong ngày nếu chưa no máu. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các góc tối trong nhà, thích đẻ trứng ở những vật chứa nước sạch trong khu dân cư.
Hiện nay, một bộ phận người dân vẫn chưa có thói quen diệt muỗi, diệt lăng quăng một cách triệt để trong thói quen sinh hoạt hàng ngày ngay tại nhà, tâm lý chủ quan, cộng với tình hình thời tiết hiện nay đang bước vào mùa mưa, cũng tạo điều kiện cho muỗi sinh sản phát triển mạnh, nhanh chóng và gây bệnh.
Toàn ngành Y tế đang tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19, tuy nhiên không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương, nhất là đối với các bệnh: SXH, tay chân miệng… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ lưu ý Trung tâm Y tế các quận/huyện hỗ trợ các phường, xã xử lý ổ dịch đúng quy định, chỉ đạo hướng dẫn ghi chép biên bản đầy đủ, duy trì theo dõi và cập nhật biểu đồ dịch tễ trên địa bàn.
Theo Bộ Y tế, biện pháp chủ yếu và hiệu quả để phòng ngừa bệnh SXH là diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh SXH cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ khuyến cáo người dân hãy thực hiện các biện pháp sau:
Diệt muỗi, lăng quăng:
- Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước.
- Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng.
- Thay rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ thường xuyên để đảm bảo đồ chứa nước luôn sạch sẽ, không tạo môi trường sinh sôi cho lăng quăng.
- Thu gom và hủy các vật phế thải trong nhà, xung quanh nhà như chai, lọ, gáo dừa,... dọn dẹp vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Thả muối hoặc dầu vào bát nước kê chân tủ đựng chén bát, thay nước các bình cắm hoa thường xuyên.
Phòng chống muỗi đốt:
- Mặc quần áo dài, kể cả ở nhà.
- Ngủ trong màn bất kể là ngày hay đêm.
- Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem bôi đuổi muỗi, vợt điện diệt muỗi... để tránh bị đốt.
- Nếu nhà có trường hợp mắc bệnh thì nên cho người bị SXH nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, ngoài những thói quen phòng, chống bệnh từ bên ngoài kể trên, một chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước cho cơ thể và ăn các loại quả chứa nhiều vitamin C, cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Khi thấy người nhà bị sốt hoặc có biểu hiện nghi ngờ mắc SXH nên đưa đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Nguồn tin: Bài, ảnh: Đỗ Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Quan trắc môi trường
CacdichvuCDC
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
Bảng giá vắc xin
BannerPhunHoaChat
Tin mới
Thống kê
  • Đang truy cập89
  • Hôm nay26,617
  • Tháng hiện tại568,840
  • Tổng lượt truy cập19,382,969
Slide web CDC 1 2023 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây