Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttps://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ tư - 11/01/2023 03:35
Thời gian tới là Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số ca mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Người dân cần lưu ý và đề phòng các dịch bệnh sau đây:
1. Dịch COVID-19
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam và trên địa bàn thành phố Cần Thơ, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát tốt, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp do vẫn lưu hành các biến chủng mới. Do đó, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.
2. Sốt xuất huyết
Để tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát, lan rộng, người dân cần tập trung thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng; chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
3. Cúm mùa
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Để chủ động phòng chống cúm mùa, cần tập trung các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Người dân nên chủ động đi tiêm vắc xin cúm, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường bảo vệ sức khỏe.
4. Sởi/rubella
Sởi/rubella lànhững bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, bệnh rất dễ lây lan có thể tạo thành các ổ dịch tại cộng đồng. Hiện nay, tiêm vắc xin phòng sởi/rubella là cách duy nhất để phòng bệnh chủ động và hiệu quả, người dân cần tiêm phòng đúng lịch và đủ mũi tiêm theo quy định.
5. Đột quỵ
Thời tiết chuyển lạnh, đột quỵ có xu hướng gia tăng. Bệnh thường xảy ra đột ngột, nếu không được phát hiện kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại những di chứng nặng nề. Để phòng bệnh đột quỵ có thể xảy ra trong mùa lạnh, người dân cần lưu ý một số biện pháp sau:
- Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt quan tâm đến các thông số như đường máu, mỡ máu, huyết áp… để kịp thời điều chỉnh.
- Xây dựng và duy trì những thói quen tốt cho sức khỏe như không hút thuốc lá, vận động thể chất mỗi ngày, ngủ nghỉ đúng giờ…
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tránh những thói quen không tốt trong ăn uống làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim như ăn mặn, sử dụng nhiều thực phẩm xào, chiên, nướng…
- Tránh tự ý dùng thuốc, thay đổi thuốc, điều chỉnh liều lượng và thời điểm dùng thuốc, đặc biệt thuốc huyết áp, thuốc điều chỉnh nhịp tim, mỡ máu, tiểu đường…
- Tránh để cơ thể tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, nhất là đối với người già.
6. Các bệnh đường hô hấp
Mùa lạnh, thời tiết thay đổi đột ngột, biên độ nhiệt cao giữa ngày và đêm tạo điều kiện cho các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính… tăng nhanh. Ai cũng có thể mắc bệnh do cơ thể chưa kịp thích ứng với sự thay đổi đột ngột của thời tiết, tuy nhiên người già và trẻ em là những đối tượng dễ bị viêm nhiễm bởi sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém.
Để hạn chế các bệnh đường hô hấp phát sinh và tái phát khi thời tiết lạnh, mọi người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân như: giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc môi trường khói bụi và tập trung đông người./.