Hội nghị nhằm cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19; Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca; Tiêm chủng an toàn, phát hiện kịp thời phản ứng sau tiêm chủng; Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin phòng COVID-19; Chẩn đoán và xử trí giảm tiểu cầu huyết khối do vắc xin; Huyết khối tĩnh mạch não sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Ngoài ra, tại hội nghị, Bộ Y tế ra mắt Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng ban; PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh làm Phó Trưởng Ban thường trực. Ban Chỉ đạo còn có Tiểu ban Hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng do GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 do GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam làm Trưởng tiểu ban. Nhóm chuyên gia tư vấn có đại diện của Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 có nhiệm vụ: Cập nhật hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin COVID-19; Xây dựng hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng; Chỉ đạo xử trí cấp cứu kịp thời sự cố bất lợi sau tiêm chủng; Tổ chức đào tạo tập huấn; Nghiên cứu đánh giá điều trị các ca bệnh sự cố bất lợi sau tiêm chủng; Tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19; Chỉ đạo công tác truyền thông về việc thực hiện tiêm phòng. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng hướng dẫn các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng địa phương và tổ chức thực hiện.
Theo Bộ Y tế, vắc xin phòng COVID-19 cũng như các vắc xin khác trong quá trình triển khai có thể có phản ứng sau tiêm ở nhiều mức độ: Rất phổ biến: sốt nhẹ (sốt ≥ 380C); như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh. Phổ biến (từ 1% đến dưới 10%): sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Có thể có tai biến nặng, phản ứng phản vệ.
Đến 26/4/2021, cả nước đã tiêm cho hơn 260.000 người là công an, bộ đội, cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị người bệnh COVID-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ COVID-19 cộng đồng… trên toàn quốc.