Năm 2019, ngày Thế giới phòng chống sốt rét có chủ đề là: “Hãy nói “KHÔNG” với bệnh sốt rét”, tiếp tục nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức và vận động cộng đồng tích cực tham gia phòng chống sốt rét.
Sốt rét là một căn bệnh đe dọa tính mạng, gây ra bởi ký sinh trùng được truyền sang người thông qua các vết đốt của muỗi Anophen bị nhiễm bệnh. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2017, ước tính có khoảng 219 triệu người mắc sốt rét ở 87 quốc gia và số ca tử vong do sốt rét khoảng 435.000 trường hợp. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể phòng ngừa và chữa trị được.
Việt Nam đã có thành công lớn trong phòng chống sốt rét và hiện đã sẵn sàng để thực hiện từ chiến lược phòng chống sốt rét sang loại trừ sốt rét. Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2011. Theo đó, mục tiêu chung đến năm 2020 là khống chế tỷ lệ người dân mắc bệnh sốt rét dưới 0,15/1.000; tỷ lệ người dân chết do bị bệnh sốt rét dưới 0,02/100.000; không còn tỉnh nào trong giai đoạn phòng chống bệnh sốt rét tích cực; 40 tỉnh trong giai đoạn đề phòng bệnh sốt rét quay trở lại; 15 tỉnh trong giai đoạn loại trừ bệnh sốt rét và 8 tỉnh trong giai đoạn tiền loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2020; phấn đấu đến năm 2030 loại trừ bệnh sốt rét trên toàn quốc.
Riêng tại thành phố Cần Thơ, nhiều năm qua, số ca mắc bệnh sốt rét nội địa rất ít. Từ năm 2015-2017, thành phố phát hiện có 3 ca mắc sốt rét (mỗi năm/1 ca), tuy nhiên hầu hết là những ca mắc ngoại lai là người mắc bệnh đi từ nơi khác đến thành phố. Vật trung gian truyền bệnh chính là muỗi Anophen epiroticus tại địa phương vẫn chưa tìm thấy. Năm 2018, toàn thành phố không ghi nhận trường hợp nào mắc sốt rét. Tỷ lệ mắc sốt rét trong nhiều năm qua khoảng 0,005/1.000 người, nghĩa là cũng ở mức rất thấp. Thành phố Cần Thơ cũng đang hướng đến mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét.
Sốt rét là một căn bệnh lâu đời, hiện chưa có vắc-xin nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Chính vì vậy, để làm giảm số ca mắc, việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau như diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh như làm rèm ở các khoảng không gian còn trống để ngăn muỗi bay vào nhà đốt người. Phát động chiến dịch truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống sốt rét, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao là dân di biến động vào các khu vực có sốt rét lưu hành, tăng cường vận động nhân dân tích cực làm tốt vệ sinh môi trường, triển khai các biện pháp bảo vệ cho cá nhân và cộng đồng. Bên cạnh đó, điều tra chủ động và điều trị sớm, kịp thời để góp phần đạt được các mục tiêu giảm tử vong, giảm mắc và không để xảy ra dịch.
Phòng chống bệnh sốt rét cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, chỉ riêng ngành Y tế sẽ không thể giải quyết được vì nó liên quan nhiều đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của chính quyền, ban ngành và nhiều lĩnh vực khác nhau; cùng với đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng chống sốt rét, trong đó truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Các cơ quan báo đài cần tích cực phối hợp và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng xã hội để cùng chung tay đẩy lùi bệnh sốt rét, tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bài: BS. Lê Phúc Hiển, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ