Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

Thứ hai - 22/04/2024 03:42
Ngày 06/4/2024, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế ban hành công văn số 282/DP-DT về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh.
Các biện pháp phòng bệnh cúm A. Ảnh minh họa
Các biện pháp phòng bệnh cúm A. Ảnh minh họa
Theo đó, ngày 02/4/2024, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh báo cáo ghi nhận trường hợp cúm A(H9) là bệnh nhân nam 37 tuổi, trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây là trường hợp nhiễm cúm A(H9) trên người đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam từ trước đến nay.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, nơi bệnh nhân sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm, đồng thời trước cửa nhà bệnh có buôn bán gia cầm; xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống chưa ghi nhận gia cầm ốm, chết. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe; đến nay chưa phát hiện triệu chứng viêm đường hô hấp; chưa ghi nhận ổ dịch viêm đường hô hấp trong cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống.
Trước đó, vào tháng 3/2024, tại Khánh Hòa đã ghi nhận 01 trường hợp tử vong do mắc cúm A(H5N1) trên người. Từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A(H9N2), bao gồm 2 trường hợp tử vong, cả hai trường hợp tử vong này đều là các bệnh nhân có bênh nền, trong đó 96 trường hợp bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc và 02 trường hợp bệnh được nghi nhận tại Cam-pu-chia. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H9N2) lây từ người sang người.
Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, tình hình dịch cúm gia cầm trên động vật diễn biến phức tạp, không chỉ ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm trên gia cầm ở tất cả các khu vực mà còn ghi nhận sự lây truyền cho các loại động vật có vú ngày càng gia tăng. Tại Mỹ, ghi nhận rải rác các trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) lây từ gia súc ở nhiều bang. Tại châu Á, tiếp tục ghi nhận các đợt bùng phát dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi nhiều chủng vi rút cúm A như H5N1, H5N6, H5N8, H3N2, H9N2, H10N3... Một số quốc gia giáp biên giới với Việt Nam tiếp tục ghi nhận các ca cúm gia cầm trên người bao gồm H5N1, H9N2.
Trong nước, theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây có phát hiện vi rút cúm A(H9N2) lưu hành trên đàn gia cầm. Đây là vi rút cúm gia cầm độc lực thấp thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Tuy nhiên, con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A(H9N2) nếu tiếp xúc và sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.
Tại Cần Thơ, chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H9), tuy nhiên, trước tình hình bệnh cúm gia cầm đang có chiều hướng gia tăng tại các quốc gia lân cận, thành phố luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch, tăng cường giám sát và tuyên truyền phòng bệnh. Chủ tịch UBND thành phố có công văn số 1258/UBND-KGVX ngày 3/4/2024 về việc tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người.
Theo đó, giao Sở Y tế phối hợp với Công an thành phố và Cảng hàng không quốc tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh nhất là người giết mổ hoặc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực có dịch. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời; chỉ đạo các bệnh viện công lập và ngoài công lập sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế, thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống kịp thời; Tập huấn mới và tập huấn lại cho nhân viên y tế theo quy định của Bộ Y tế và chủ động đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất.
Tăng cường giám sát, phát hiện dịch cúm gia cầm, đặc biệt là các chợ gia cầm sống; tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, chú ý những khu vực có nguy cơ cao.
Để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh, đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy.
5. Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ.
6. Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Nguồn tin: Đỗ Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Quan trắc môi trường
CacdichvuCDC
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
Bảng giá vắc xin
BannerPhunHoaChat
Tin mới
Thống kê
  • Đang truy cập180
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm130
  • Hôm nay33,157
  • Tháng hiện tại80,308
  • Tổng lượt truy cập20,196,419
Slide web CDC 1 2023 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây