Tìm hiểu về nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung

Thứ tư - 06/09/2023 21:30
Mỗi người nên chủ động phòng tránh bằng cách tiêm vắc xin phòng HPV càng sớm càng tốt
Mỗi người nên chủ động phòng tránh bằng cách tiêm vắc xin phòng HPV càng sớm càng tốt
 
  1. Ung thư cổ tử cung là gì và nguy hiểm như thế nào?
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là bệnh lý u ác tính ở cổ tử cung (phần dưới của tử cung mở vào trong âm đạo). Các tế bào biểu mô cổ tử cung phát triển một cách bất thường khỏi sự kiểm soát của cơ thể, xâm lấn vào các cơ quan lân cận, di căn đến các cơ quan xa và đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.
99,7% nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung có liên hệ chặt chẽ đến vi rút HPV.
             Trên thế giới, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Trung tâm thông tin HPV năm 2018, đây là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ trong độ tuổi 15-44. Mỗi ngày tại Việt Nam căn bệnh này cướp đi khoảng 7 sinh mệnh phụ nữ.
Mặc dù UTCTC có khả năng chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhưng bệnh thường không xảy ra đột ngột mà diễn tiến âm thầm, kéo dài từ 10-20 năm. Các triệu chứng của bệnh khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh phụ khoa khác nên nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, nguy cơ tử vong cao.
Nếu UTCTC được phát hiện và điều trị sớm có thể bảo tồn tử cung, khả năng sinh nở và tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên ở giai đoạn tiến triển, việc có thể sống được bao lâu còn phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh và quá trình điều trị.
- Giai đoạn 1: Tế bào ung thư xâm lấn mô chính của cổ tử cung nhưng chưa khu trú sang cơ quan khác. Để chữa trị, cần cắt một phần hay toàn bộ tử cung hoặc xạ trị. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này lên đến khoảng 92%. Tuy nhiên, sau điều trị, các mô sẹo có thể gây hẹp tử cung, ảnh hưởng đến việc có thai hoặc làm tăng nguy cơ dọa sảy thai.
- Giai đoạn 2: Tế bào ung thư bắt đầu lan đến âm đạo và các mô xung quanh cổ tử cung. Quá trình điều trị phối hợp với phẫu thuật, xạ hóa trị, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này là 58%.
- Giai đoạn di căn: Khối u lan ra ngoài vùng chậu và xâm lấn đến các bộ phận gần đó như bàng quang, trực tràng, di căn đến các cơ quan xa như phổi, gan, xương… Quá trình điều trị rất khó khăn, chủ yếu kéo dài thời gian sống và làm giảm các triệu chứng. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn 17%.
Không chỉ sẽ phải đối diện với nguy cơ tử vong cao ở giai đoạn muộn, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân phải chịu đựng các tác dụng phụ của quá trình điều trị.
- Sức khỏe suy giảm nghiêm trọng
Điều trị bằng hóa, xạ trị sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của người bệnh như: luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, đi tiểu nhiều kèm cảm giác nóng rát, chức năng đường ruột bị ảnh hưởng...
- Quan hệ vợ chồng gặp khó khăn
Khi điều trị UTCTC, hầu hết các mô của âm đạo sẽ hẹp, ngắn và giãn ít hơn. Điều này gây ra cảm giác đau rát, khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống vợ chồng.
- Vô sinh
UTCTC gây tổn thương lớn đến tử cung (nơi chứa tinh trùng và trứng phát triển), giảm khả năng có con. Dù không cắt bỏ tử cung, các tia bức xạ và hoá chất từ việc xạ hoá trị có thể phá huỷ trứng và gây vô sinh.
- Trầm cảm
Những hệ lụy của UTCTC khiến nhiều chị em phải đối diện với bệnh trầm cảm ở mức độ nặng trong thời gian dài.
     2. Ung thư cổ tử cung có những biểu hiện gì?
UTCTC ở giai đoạn sớm thường không có bất cứ triệu chứng nào, những dấu hiệu thường gặp nhất là xuất huyết âm đạo bất thường và huyết trắng.
     2.1. Chảy máu âm đạo bất thường
Chảy máu âm đạo chứng tỏ có một khối u trên cổ tử cung, đang âm thầm phát triển và lan rộng sang các bộ phận khác.
Chảy máu âm đạo bất thường ví dụ như chảy máu trong chu kỳ kinh nguyệt có thời gian kéo dài hơn so với các chu kỳ trước. Chảy máu sau hoặc trong khi quan hệ, chảy máu sau khi mãn kinh, sau khi đi vệ sinh hoặc khám phụ khoa…
2.2. Tiết dịch âm đạo (huyết trắng) bất thường
Huyết trắng âm đạo bình thường khi có màu trắng trong, không màu, khi sờ vào có độ dai như lòng trắng trứng. Nếu huyết trắng xuất hiện với màu sắc lạ, mùi khó chịu, chứng tỏ bạn đang bị viêm nhiễm phụ khoa. Đặc biệt nếu kèm theo ít máu, rất có thể là do các khối mô hoại tử của UTCTC gây ra.
2.3. Đau khi quan hệ tình dục
Có nhiều nguyên nhân gây đau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nếu trước đó bạn không gặp phải vấn đề này nhưng đột ngột bị thì cần thận trọng.
2.4.  Đau lưng hay đau vùng xương chậu
Đau dữ dội hoặc dai dẳng vùng xương chậu chính là dấu hiệu của việc thay đổi ở cổ tử cung. Ở giai đoạn nặng hơn, các tế bào ung thư lan đến bàng quang, ruột, gan, phổi, gây ra những cơn đau âm ỉ, đôi khi là dữ dội.
Ngoài ra, những triệu chứng của UTCTC giai đoạn trễ gồm cảm giác yếu hay mệt mỏi, chán ăn gây sụt cân, đau vùng chậu, đau lưng, tiểu không kiểm soát và gãy xương…
    3. Làm gì để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung?
Mặc dù UTCTC có thể chữa trị nhưng chính đặc tính diễn tiến âm thầm (từ 10-20 năm) khiến bệnh khó phát hiện sớm, chưa kể ở giai đoạn đầu, hầu hết bệnh nhân sẽ không biết mình đang mắc bệnh vì các triệu chứng khá mờ nhạt. Vậy nên, hãy chủ động ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này cho bản thân và cả những người phụ nữ thân yêu quanh bạn.
     3.1. Tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV
Nhiễm HPV là nguyên nhân chính gây ra UTCTC, hậu môn, âm hộ, dương vật, âm đạo…và một số căn bệnh lây qua đường tình dục khác. Tuy nhiên, hiện tại, chưa có thuốc đặc trị vi rút HPV. Các bệnh lý liên quan đến HPV đều không có dấu hiệu lâm sàng. Chính vì vậy, để ngăn ngừa các bệnh do vi rút này gây ra, chuyên gia khuyến cáo các bé gái, phụ nữ cần dự phòng HPV càng sớm càng tốt.
Đặc biệt là các bé gái từ khi bước qua sinh nhật 9 tuổi, mẹ đã có thể đưa con đến các cơ sở y khoa, bệnh viện uy tín để tham khảo ý kiến của bác sĩ về dự phòng HPV.
3.2. Tầm soát định kỳ ung thư cổ tử cung
 Mục đích của tầm soát UTCTC là để tìm kiếm các tế bào bất thường gây ung thư trước khi cơ thể có bất cứ triệu chứng hoặc dấu hiệu nào, nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong do UTCTC. Theo đó, phụ nữ nên ít nhất 2 lần xét nghiệm HPV để sàng lọc UTCTC trong đời, lý tưởng nhất là phụ nữ từ 25-65 tuổi nên được xét nghiệm HPV cứ sau 5 năm.
Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên hoặc đã phẫu thuật cắt tử cung có thể ngừng sàng lọc nếu kết quả xét nghiệm HPV chủ yếu là âm tính trong 15 năm trước. Đôi khi, những phụ nữ từ 65 tuổi trở lên và đã được xét nghiệm dương tính với HPV có thể tiếp tục sàng lọc cho đến khi họ 70 tuổi.
3.3. Có lối sống lành mạnh
HPV chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục, một số do tiếp xúc qua da, niêm mạc có trầy xước, vật dụng chứa dịch tiết, vết loét, chảy máu... của người nhiễm HPV. Chính vì vậy, bên cạnh việc tiêm phòng và tầm soát định kỳ, chị em cũng cần chú ý duy trì lối sống lành mạnh để ngăn ngừa các căn bệnh do HPV gây ra. Cụ thể:
  • Không hút thuốc lá
  • Chung thủy với một bạn tình
  • Chú ý vệ sinh vùng sinh dục
  • Thực hành quan hệ tình dục an toàn như sử dụng bao cao su
  • Tránh quan hệ tình dục ở độ tuổi quá sớm
  • Không nên sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác
  • Tránh sinh đẻ nhiều lần
  • Không sinh đẻ ở độ tuổi quá sớm
  • Không nên lạm dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài
  • Bổ sung rau xanh trong chế độ ăn uống hằng ngày
  Người có hệ miễn dịch yếu cần thường xuyên khám sức khỏe đều đặn.
UTCTC là một trong số những loại ung thư hiếm hoi có thể phòng ngừa được. Chính vì vậy, mỗi người nên chủ động phòng tránh bằng cách tiêm vắc xin phòng HPV càng sớm càng tốt, đặc biệt là từ 9-14 tuổi. Kết hợp tầm soát UTCTC định kỳ và có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống và rèn luyện khoa học. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa UTCTC cũng như giảm tỷ lệ tử vong đáng kể.

Nguồn tin: BSCKI. Trần Thị Thu Hồng, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản - CDC Cần Thơ (Nguồn: Hội Y học Dự phòng Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay10,374
  • Tháng hiện tại209,348
  • Tổng lượt truy cập22,570,522
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây