Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttp://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ ba - 19/09/2023 21:07
Chiều 18/9/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ) tổ chức buổi Thảo luận chuyên môn kỹ thuật về PNS/SNS và chia sẻ kinh nghiệm.
Mô hình lồng ghép Thông báo, xét nghiệm bạn tình/bạn chích (PNS) và Tiếp cận mạng lưới xã hội người có nguy cơ cao (SNS) cho người có HIV đang được triển khai và có nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của Khoa Phòng chống HIV/AIDS – CDC Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 67 cộng tác viên tham gia hoạt động, 248 thẻ mời được phát ra và thu về 50 thẻ, 76 khách hàng được xét nghiệm HIV, có 8 khách hàng kết quả HIV dương tính được chuyển gửi điều trị ARV; 42 khách hàng có kết quả HIV âm tính được chuyển gửi điều trị PrEP.
Theo ông Dáp Thanh Giang, trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS – CDC Cần Thơ cho biết: Hiện nay, CDC Cần Thơ đã hoàn thành hợp đồng trách nhiệm và phân bổ chỉ tiêu thực hiện cho các đơn vị triển khai Đáp ứng y tế công cộng chùm ca (PHCR) như: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, BV Đa khoa thành phố, BV Da Liễu và các đơn vị liên quan; Kiện toàn đội đáp ứng nhanh y tế công cộng chùm ca nhiễm toàn thành phố; Thu thập, phân tích, mô tả đầy đủ các thông tin dịch tễ trên địa bàn, xác định khoảng trống để có kế hoạch ứng phó chủ động với dịch; Đa dạng các loại hình và hình thức truyền thông thay đổi hành vi thông qua các kênh truyền thống, hiện đại 4.0 như ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Website,…); Củng cố duy trì các can thiệp giảm tác hại, dịch vụ hiện có trên địa bàn (Tiếp cận sàng lọc, tư vấn xét nghiệm, bao cao su, bơm kiêm tiêm, PrEP, điều trị ARV, Methadone,..); Cải thiện xét nghiệm khẳng định và trả kết quả.
Hoạt động PNS/SNS cũng gặp các khó khăn như: Các trường hợp HIV mới phát hiện được ngoại tỉnh (hơn 50%) gặp khó khăn trong kết nối ARV. Cần liên kết 3 bên: Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Cơ sở y tế và CBO. Một số cơ sở y tế có số bệnh nhân khá đông (ARV/PrEP) gây quá tải cho cán bộ y tế theo dõi chăm sóc khách hàng. Can thiệp trong trường học (đặc biệt THPT), khu công nghiệp còn hạn chế... Anh Phạm Trương Kim Dương, cán bộ Glink Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm: Kết nối dựa vào sự tự nguyện và đánh giá chất lượng dịch vụ quyết định độ hiệu quả của hoạt động; Tương tác giữa chất lượng dịch vụ tại phòng khám và nhân viên Tiếp cận cộng đồng; Xây dựng mối liên hệ tốt đẹp giữa phòng khám và nhân viên tiếp cận cộng đồng; Cải tiến và cập nhật kiến thức liên tục.
Người có HIV cần được giới thiệu và đề nghị tham gia cả hai quy trình: PNS và SNS. Người có HIV có thể vừa là ca chỉ dẫn để tìm người phơi nhiễm, vừa là “hạt giống” đi tìm người có nguy cơ cao. Để đáp ứng nhanh, tư vấn viên nên thực hiện các cách thông báo chủ động và ưu tiên người có HIV đóng vai trò “hạt giống” để tìm người nguy cơ cao khác. Nên kết hợp cấp phát sinh phẩm tự xét nghiệm khi thực hiện PNS/SNS. Bạn tình/người có nguy cơ cao trong mạng lưới xã hội của người có HIV cần được huy động làm “hạt giống” tiếp theo để tăng nhanh độ bao phủ của xét nghiệm HIV cho người có nguy cơ cao từ đó nhanh chóng kiểm soát dịch.