Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttp://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ hai - 24/06/2024 03:50
Nằm trong khuôn khổ hoạt động Đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV (PHCR) thuộc dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại thành phố Cần Thơ (EPIC), chiều 20/6/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ tổ chức họp thảo luận về hoạt động điều trị ARV và PrEP năm 2024 tại Cần Thơ. Ông Hà Tấn Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã đến dự.
Tại buổi họp, các đơn vị được nghe báo cáo về kết quả điều trị ARV 5 tháng đầu năm 2024 tại Cần Thơ:toàn thành phố có 5.382 người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV), đạt 98% tỷ lệ duy trì điều trị và 99% bệnh nhân đang điều trị có thẻ BHYT. Trong đó, gần 97% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế, tức là không lây nhiễm HIV cho người khác... Đó là nhờ sự chung tay của mạng lưới cán bộ phòng, chống HIV/AIDS, sự hỗ trợ từ ngân sách thành phố và các dự án.
Hiện thành phố có 6 cơ sở y tế điều trị ARV cho người lớn và 1 cơ sở điều trị ARV cho trẻ em, gồm: Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ, BV Quân Y 121, BV Đa khoa Thốt Nốt, BV Đa khoa Ô Môn, Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, Trung tâm Y tế quận Cái Răng và BV Nhi đồng TP Cần Thơ. Người nhiễm HIV được BHYT thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh, 20% còn lại được dự án hỗ trợ. Ngoài ra, một số xét nghiệm mà BHYT không chi trả cũng được dự án hỗ trợ. Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu nêu ra những khó khăn tại đơn vị mình như: Phối hợp chưa tốt giữa các bộ phòng khám tại các BVĐK tuyến thành phố và cán bộ chương trình HIV quận/huyện trong tìm ca bỏ trị; Một số bệnh nhân đi làm xa nên khó truy vết. Từ thực tế đó, theo CDC Cần Thơ, để tìm các ca bỏ điều trị, cần sự phối hợp của các bên liên quan trong tư vấn, vận động bệnh nhân. Tại cuộc họp, các đơn vị cùng thảo luận đưa ra giải pháp để cải thiện hoạt động điều trị ARV và PrEP trong thời gian tới như: lập nhóm đồng đẳng viên, tiếp cận viên hỗ trợ, đồng hành cùng người nhiễm trong suốt quá trình điều trị; liên hệ điện thoại, nhắn tin vận động người nhiễm bỏ điều trị quay lại tiếp tục điều trị, thậm chí nhờ cán bộ y tế ở địa phương đến tận nhà vận động; cho người nhiễm HIV quét mã QR để khai thông tin, tiết kiệm thời gian cho nhân viên y tế và người nhiễm. CDC Cần Thơ cũng liên kết với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL để khi có bệnh nhân bỏ điều trị, cán bộ CDC sẽ liên hệ với các tỉnh để vận động, nắm thông tin về người nhiễm HIV, giúp họ không gián đoạn điều trị…