Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttp://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ hai - 08/08/2022 04:01
Ngày 5/8/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ tổ chức hội nghị sơ kết công tác kiểm soát bệnh tật 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022, đồng thời triển khai kế hoạch tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2020 - 2030 tại TP Cần Thơ.
Theo báo cáo của CDC, về tình hình bệnh truyền nhiễm trong 6 tháng đầu năm ghi nhận có 11/44 bệnh truyền nhiễm xảy ra ca mắc, giảm so với cùng kỳ 2021 (15/44 bệnh), trong đó, 5/11 bệnh có số ca mắc tăng như: sốt xuất huyết ghi nhận 1.662 ca (cùng kỳ năm 2021 là 616 ca); COVID-19: 7.699 ca (cùng kỳ năm 2021 là 2 ca). Thời gian qua, công tác kiểm soát bệnh tật được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, UBND thành phố, sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành và chính quyền, huy động các lực lượng chính trị vào cuộc trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn được triển khai nhanh chóng, theo sự hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật của Bộ Y tế, Sở Y tế. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng số mũi vắc xin đã tiêm trên địa bàn thành phố là 3.136.696 liều. Bên cạnh đó, CDC cũng phối hợp, tăng cường giám sát viêm gan cấp ở trẻ em và bệnh đậu mùa khỉ tại Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ và các cảng đường thủy; duy trì tốt công tác tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ trẻ miễn dịch đầy đủ, phụ nữ mang thai tiêm ngừa uốn ván đạt chỉ tiêu, không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm ở trẻ dưới 1 tuổi. Về công tác phòng chống HIV/AIDS, được sự hỗ trợ tích cực từ Dự án Quỹ toàn cầu, triển khai điều trị viêm gan C miễn phí cho các bệnh nhân đồng nhiễm HIV/viêm gan C tại các phòng OPC và cơ sở Methadone trên địa bàn thành phố; được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, US.CDC triển khai xét nghiệm nhiễm mới, sử dụng kết quả nhiễm mới trong đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm mới, góp phần hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng, đặc biệt trong nhóm MSM; triển khai hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV thông qua phần mềm HIV info 4.0 của Quốc gia tạo thuận lợi trong việc theo dõi và quản lý người nhiễm của thành phố. Các hoạt động y tế trường học, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cũng được thực hiện tốt, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp và Chế xuất Cần Thơ… Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản duy trì tốt cho tất cả các đối tượng đến tiếp nhận dịch vụ tại Trung tâm. Các kế hoạch hoạt động các chương trình được triển khai từ cấp thành phố đến quận/huyện và xã/phường.
Trước tình hình dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân, biến chủng tác nhân gây bệnh, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19, trong 6 tháng cuối năm, CDC tiếp tục tham mưu lãnh đạo các cấp củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng chống dịch từ thành phố đến cơ sở để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp để nâng cao chất lượng, hiệu quả và chủ động trong phòng chống dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng bệnh, duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 01 tuổi; hoàn thành chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bại liệt IPV vào tháng 9/2022; tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm tra và hỗ trợ tuyến dưới trong đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và triển khai các chương trình đạt hiệu quả…