Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttp://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ ba - 16/08/2022 21:05
Câu 1. Bệnh bại liệt là bệnh gì? Bệnh bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút polio gây nên, vi rút polio gồm 3 týp 1, 2 và 3. Bệnh được phát hiện qua hội chứng liệt mềm cấp. Vi rút polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít vi rút Polio xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não. Người mắc bệnh có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và gây tàn tật suốt đời. Vi rút bại liệt dễ dàng lan truyền gây thành dịch lớn trong điều kiện đối tượng không sử dụng vắc xin phòng bệnh, vệ sinh môi trường kém. Câu 2. Bệnh bại liệt lây truyền như thế nào? Bệnh bại liệt lây truyền qua đường tiêu hóa. Con người là nguồn chứa duy nhất của virut bại liệt. Vi rút lây truyền sang người chủ yếu qua đường “phân – miệng”. Vi rút bại liệt từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào cơ thể người phát triển trong đường tiêu hóa của người, đào thải qua phân ra ngoài môi trường sống và tiếp tục gây bệnh. Bệnh rất dễ lây, hầu hết trẻ em sống cùng nhà với người mang mầm bệnh bị nhiễm vi rút. Người bệnh có khả năng đào thải vi rút từ 10 ngày trước và 14 ngày sau khi khởi phát. Những người lành mang vi rút cũng có thể trở thành nguồn truyền bệnh. Câu 3. Làm thế nào để phòng bệnh bại liệt? Vì người là nguồn chứa vi rút bại liệt duy nhất nên việc tạo miễn dịch chủ động thông qua tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Phòng bệnh bại liệt polio bằng uống vắc xin bại liệt (OPV) và/hoặc tiêm vắc xin bại liệt bất hoạt (IPV). Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia đang chỉ sử dụng vắc xin bại liệt uống (OPV) thì cần sử dụng thêm 1 liều IPV trong lịch tiêm chủng thường xuyên. Hiện nay, Chương trình TCMR Việt Nam đang sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi và sẽ sử dụng thêm 1 liều vắc xin bại liệt tiêm (IPV) trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 5 tháng tuổi từ tháng 9/2018. Câu 4. Bệnh bại liệt polio ở Việt Nam có phổ biến không? Tại Việt Nam, trước khi có vắc xin phòng bệnh, bệnh bại liệt polio là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi. Năm 1957-1959 đã xảy ra các vụ dịch bại liệt qui mô lớn. Nhờ triển khai uống vắc xin phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc xin ở mức cao, Việt Nam đã chính thức công bố Thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và từ đó đến nay Việt Nam vẫn đang duy trì được thành quả này. Câu 5. Tại sao vẫn phải sử dụng vắc xin phòng bệnh bại liệt khi chúng ta đã thanh toán được bệnh bại liệt ? Tại Việt Nam, bệnh bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000. Tuy nhiên, trong bối cảnh vi rút bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành tại một số quốc gia như Afghanistan, Pakistan và trong bối cảnh mở rộng giao lưu giữa các quốc gia trên thế giới như hiện nay thì nguy cơ lây truyền bệnh bại liệt từ các quốc gia còn lưu hành sang các nước đã thanh toán bệnh là rất cao. Việc duy trì miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bại liệt thông qua việc sử dụng vắc xin phòng bệnh bại liệt polio là rất cần thiết cho đến khi bệnh bại liệt được thanh toán trên quy mô toàn cầu. Câu 6. Vắc xin bại liệt gồm những loại nào? Vắc xin bại liệt có 2 loại là vắc xin bại liệt uống (OPV) và vắc xin bại liệt tiêm (IPV). Vắc xin bại liệt uống là vắc xin sống giảm độc lực, chứa các vi rút bại liệt đã được làm suy yếu không thể gây bệnh, sử dụng theo đường uống. Hiện nay, đang sử dụng vắc xin bại liệt 2 týp (bOPV) có chứa kháng nguyên bại liệt týp 1 và 3. Vắc xin bại liệt tiêm là vắc xin bất hoạt, chứa các vi rút bại liệt đã chết, được sử dụng dưới dạng vắc xin tiêm. Vắc xin IPV có chứa cả 3 týp kháng nguyên bại liệt týp 1, 2 và 3. Câu 7: Chiến lược Thanh toán bệnh bại liệt polio trên toàn cầu Năm 2013, Đại hội đồng Y tế thế giới cùng với 193 nước thành viên đã thông qua “Chiến lược thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu giai đoạn 2013-2018”, mục tiêu thanh toán căn bệnh nguy hiểm này trên toàn cầu được đặt ra vào năm 2018, để đạt mục tiêu này các Quốc gia cần chủ động duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bại liệt cao và sẵn sàng đáp ứng khi có vi rút bại liệt xâm nhập. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các nước cần xây dựng kế hoạch sẵn sàng đáp ứng chống việc xâm nhập vi rút bại liệt hoang dại từ các quốc gia hiện còn lưu hành, chuyển đổi sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp bOPV và bổ sung 1 mũi vắc xin bại liệt tiêm IPV để củng cố miễn dịch đối với vi rút bại liệt týp 2. Câu 8: Chiến lược bảo vệ thành quả Thanh toán bệnh bại liệt ở Việt Nam. Thực hiện chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch “Bảo vệ thành quả Thanh toán bệnh bại liệt giai đoạn 2016-2020” tại Quyết định số 1358/QĐ-BYT ngày 14/4/2016 và ban hành Quyết định số 3191/QĐ-BYT ngày 12/7/2017 về việc điều chỉnh Quyết định số 1358/QĐ-BYT ngày 14/4/2016 của Bộ Y tế. Kế hoạch bao gồm các hoạt động nhằm tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, đáp ứng chống dịch kịp thời khi có vi rút bại liệt hoang dại xâm nhập, triển khai vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) và vắc xin bại liệt tiêm (IPV) trong tiêm chủng mở rộng. Thực hiện kế hoạch, Việt Nam đã chuyển đổi sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 tuýp bOPV từ tháng 6 năm 2016 cho trẻ em dưới một tuổi vào lúc 2,3,4 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên, đạt và duy trì tỷ lệ uống đủ 3 liều vắc xin OPV trên 95%, và từ tháng 9/2018 sẽ sử dụng vắc xin bại liệt tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên. Câu 9: Tại sao giai đoạn này ngoài việc uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt OPV lại phải tiêm thêm 1 mũi vắc xin bại liệt tiêm? Nhằm loại trừ các ca bệnh bại liệt do vi rút tuýp 2 có nguồn gốc vắc xin, Việt Nam đã chuyển đổi sang sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) thay thế cho vắc xin bại liệt 3 týp (tOPV), trong thành phần vắc xin bOPV không có kháng nguyên bại liệt týp 2. Việc sử dụng thêm một liều vắc xin bại liệt tiêm IPV có chứa cả 3 týp kháng nguyên bại liệt týp 1, 2 và 3 giúp tăng cường miễn dịch bảo vệ đối với vi rút bại liệt týp 1 và týp 3 đồng thời gây miễn dịch phòng bệnh đối với týp 2 cho những trẻ đã sử dụng 3 liều bOPV. Câu 10: Tính an toàn của vắc xin bại liệt tiêm IPV. Vắc xin IPV sử dụng trong chương trình TCMR là vắc xin do tổ chức Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ, vắc xin của hãng Sanofi, Pháp sản xuất, vắc xin đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam QLVX-879-15, ngày 14/7/2015 Cũng giống như các vắc xin khác, sau khi tiêm vắc xin có thể gặp phản ứng không mong muốn, các phản ứng thông thường tại chỗ tiêm như đau, quầng đỏ, phản ứng sốt vừa thoáng qua, phản ứng khác rất hiếm gặp. Vắc xin IMOVAX POLIO đã được đăng ký lưu hành sử dụng tại Pháp từ năm 1982, hiện đã sử dụng tại 111 quốc gia với tổng số hơn 540 triệu liều. Câu 11: Trước khi sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, vắc xin IPV đã được sử dụng ở Việt Nam chưa? Vắc xin IPV đơn giá được đăng ký lưu hành tại Việt Nam từ tháng 1 năm 2004 được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ. Vắc xin phối hợp có thành phần bại liệt tiêm (IPV) đã được lưu hành và sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam từ năm 2005 đến nay. Câu 12. Trẻ vừa uống vắc xin bOPV vừa tiêm vắc xin IPV có an toàn không? Việc cùng uống vắc xin OPV và tiêm vắc xin IPV là an toàn và không ảnh hưởng đến khả năng sinh miễn dịch phòng bệnh của vắc xin. Trên thực tế, sử dụng 2 vắc xin cùng lúc sẽ tạo miễn dịch phòng bệnh tốt hơn cho trẻ. Câu 13. Tiêm vắc xin IPV cùng thời điểm với các vắc xin khác có an toàn không? Vắc xin IPV là vắc xin bất hoạt nên rất an toàn khi tiêm cùng thời điểm với việc sử dụng các vắc xin khác. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới có thể tiêm vắc xin IPV cùng thời điểm với vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib (vắc xin 5 trong 1). Việc tiêm chủng như vậy không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và khả năng sinh miễn dịch của vắc xin. Câu 14: Thời gian và đối tượng sẽ được tiêm vắc xin IPV trong tiêm chủng mở rộng do GAVI viện trợ? Vắc xin IPV sẽ được triển khai trong TCMR từ tháng 9/2018 cho đối tượng trẻ 5 tháng tuổi tại thời điểm triển khai, dự kiến trẻ sinh từ 1/3/2018 sẽ là đối tượng tiêm IPV do GAVI viện trợ trong năm 2018. Những trẻ sinh trước đó sẽ được tiêm chủng bổ sung vắc xin IPV trong thời gian tới và được thông báo cụ thể sau. Câu 15: Nếu trẻ không được tiêm vắc xin bại liệt đúng lịch vào lúc 5 tháng tuổi thì có thể tiêm chủng vắc xin cho trẻ như thế nào? Để đảm bảo miễn dịch đầy đủ để phòng bệnh bại liệt ngoài việc uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt bOPV trẻ cần được tiêm 1 mũi vắc xin bại liệt IPV, nếu trẻ không được tiêm chủng đúng lịch vào lúc 5 tháng tuổi thì cần được tiêm càng sớm càng tốt sau đó. Trong chương trình TCMR chỉ cung ứng vắc xin IPV để sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi. Câu 16: Nếu trẻ đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp có thành phần bại liệt có cần tiêm vắc xin IPV trong tiêm chủng mở rộng không ? Nếu trẻ đã tiêm chủng đủ 3 mũi vắc xin phối hợp có thành phần bại liệt trong tiêm chủng dịch vụ trẻ không cần tiêm thêm 1 mũi vắc xin bại liệt IPV trong tiêm chủng mở rộng. Câu 17: Nếu tiêm chủng dịch vụ không có vắc xin bại liệt IPV tiêm đơn giá thì có thể sử dụng vắc xin phối hợp có thành phần bại liệt để tiêm cho trẻ không? Trường hợp trẻ không thuộc đối tượng được tiêm vắc xin bại liệt IPV trong chương trình TCMR, nếu chưa được tiêm chủng vắc xin bại liệt tiêm thì có thể tiêm 1 mũi vắc xin IPV đơn giá hoặc vắc xin phối hợp có thành phần IPV, tuy nhiên trẻ cần được cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định phù hợp với tuổi và tình trạng tiêm chủng. Câu 18: Vì sao vắc xin bại liệt đã được tiêm/uống trong tiêm chủng thường xuyên nhưng vẫn có đợt uống vắc xin bại liệt bổ sung? Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, tuy nhiên bệnh bại liệt chưa được thanh toán trên quy mô toàn thế giới. Nguy cơ xâm nhập bệnh bại liệt hoang dại từ các quốc gia đang lưu hành bệnh vào các quốc gia đã hoàn toàn thanh toán bệnh bại liệt như Việt Nam là rất lớn, trong bối cảnh giao lưu quốc tế như hiện nay. Nhằm duy trì miễn dịch cao trong cộng đồng, phòng chống bệnh bại liệt xâm nhập hàng năm cần chủ động rà soát vùng nguy cơ cao, có tỷ lệ tiêm chủng thấp, di biến động dân cư, khu vực biên giới, cửa khẩu để tổ chức uống bổ sung vắc xin bại liệt cho trẻ em dưới 5 tuổi nếu cần thiết. Câu 19: Làm sao biết được trẻ đã có kháng thể bại liệt hay chưa? Trên thực tế, việc đánh giá kháng thể bảo vệ phòng bệnh bại liệt là không cần thiết. Điều quan trọng là trẻ em cần được tiêm chủng đủ liều vắc xin bại liệt. Nếu không chắc chắn tiền sử tiêm chủng của trẻ, cần cho uống bổ sung vắc xin bại liệt để đảm bảo trẻ được phòng bệnh. Việc làm này đơn giản và hiệu quả hơn nhiều so với xác định kháng thể.
Nguồn tin: Ban Biên tập CDC (Nguồn: Dự án TCMR - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương)