Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttp://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ ba - 28/06/2022 10:15
Ngày 24/6/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ đã tiếp đoàn công tác của Văn phòng Điều phối Chương trình AIDS toàn cầu/Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (SGAC) đến thăm và làm việc. Mục đích chuyến thăm của đoàn SGAC là gặp gỡ và làm việc với các cơ quan tổ chức, đối tác có thực hiện chương trình của PEPFAR, nhằm thúc đẩy tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược, đảm bảo chất lượng các hoạt động do PEPFAR tài trợ. Cùng đi trong đoàn còn có các thành viên trong Văn phòng Điều phối PEPFAR tại Việt Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, CDC Hoa Kỳ, Trung tâm LIFE, Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế.
Đoàn đã được nghe giới thiệu nhanh về cơ sở dịch vụ lồng ghép tư vấn xét nghiệm HIV - Methadone - PrEP tại CDC Cần Thơ, sơ đồ tiếp nhận dịch vụ cho khách hàng, trao đổi với cán bộ Phòng khám Đa khoa - Chuyên khoa về việc tham gia đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm: tư vấn xét nghiệm nhiễm mới, quản lý dữ liệu bằng hệ thống hiện tại và ứng dụng HIV 4.0; thăm Phòng xét nghiệm khẳng định HIV của CDC Cần Thơ và trao đổi chia sẻ về thực hiện xét nghiệm nhiễm mới, kết quả xét nghiệm nhiễm mới để kích hoạt đáp ứng y tế công cộng. Ngoài ra, đoàn cũng đến thăm các mô hình hoạt động phòng chống HIV/AIDS đang triển khai tại Trường Đại học Cần Thơ như: góc truyền thông, hoạt động Đội tiếp cận viên phòng, chống HIV/AIDS, hoạt động dự phòng HIV tại trường đại học; gặp gỡ các CBO nhóm G-link, nhóm S-Đỏ tại Cần Thơ.
Báo cáo với đoàn công tác tại buổi làm việc, ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ cho biết: kể từ ca nhiễm đầu tiên phát hiện tại Cần Thơ vào năm 1993 đến nay, lũy tích số người nhiễm HIV phát hiện được là 6.988 người, trong đó tử vong 2.574 người; số người nhiễm HIV còn sống hiện quản lý được là 4.414 người. Thời gian qua, Cần Thơ là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống HIV, cụ thể tình hình dịch HIV/AIDS liên tục được kiểm soát, số trường hợp nhiễm mới phát hiện hàng năm mặc dù có tăng trong 5 năm trở lại đây nhưng số chuyển sang AIDS và tử vong giảm đáng kể, chất lượng điều trị được đảm bảo, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con hầu như không có. Để đạt được kết quả trên, Cần Thơ đã triển khai đầy đủ, đồng bộ, xuyên suốt các chương trình phòng chống HIV/AIDS từ lĩnh vực dự phòng đến chăm sóc điều trị như: công tác truyền thông can thiệp, tư vấn xét nghiệm, giám sát, điều trị, tăng cường năng lực, sự tham gia các tổ chức cộng đồng CBO… Tuy nhiên, Cần Thơ hiện là trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long nên gánh chịu nặng nề về dịch HIV, ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài, dịch HIV/AIDS có xu hướng bùng phát trong nhóm MSM, trong khi kinh phí thiếu, nguồn lực cán bộ hạn chế, một số trang thiết bị máy móc xét nghiệm hư hỏng… do đó rất cần hỗ trợ nhiều về kinh phí, kỹ thuật từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các nhà tài trợ, đặc biệt là PEPFAR.
Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ, Trưởng nhóm tiếp cận viên nhà trường, các CBO cũng mong muốn trong thời gian tới, tiếp tục nhận đượcsự hỗ trợ, đồng hành của các nhà tài trợ, PEPFAR, các tổ chức quốc tế để thực hiện hiệu quả các dự án phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt trong vấn đề kinh phí, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, tiếp cận viên, CBO trên địa bàn thành phố…