Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttp://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ tư - 20/04/2022 06:14
Sáng 20/4/2022, đoàn cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ do ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC đến kiểm tra công tác chuẩn bị tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, Trường THCS Hưng Phú, Trường Tiểu học Hưng Phú 1 (quận Cái Răng).
Theo báo cáo, quận Ninh Kiều có 28.974 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trẻ đang học lớp 6 và trẻ trên 11 tuổi, dưới 12 tuổi khoảng 2.000 trẻ, sẽ được tiêm từ ngày 21/4. Ngành y tế và giáo dục của quận phối hợp chuẩn bị tiêm cho các cháu: mời tiêm theo giờ, theo lớp; chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất... cho các điểm tiêm chu đáo. Tại trường THCS Hưng Phú (quận Cái Răng), qua rà soát có 27 trẻ đang học lớp 6 đủ điều kiện tiêm trong đợt này. Trường chuẩn bị chu đáo công tác tiêm chủng cho các cháu vào chiều 21/4. Theo Trung tâm Y tế quận Cái Răng, quận tiêm theo hình thức cuốn chiếu, từ trẻ lớn đến trẻ nhỏ, từ trường này sang trường khác.
Qua kiểm tra, ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ lưu ý các điểm tiêm: Cần phải đặt an toàn tiêm chủng lên hàng đầu, đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Mỗi điểm tiêm phải có 1 đội cấp cứu ban đầu do tuyến cơ sở thực hiện xử trí phản ứng bất lợi sau tiêm. Đồng thời, các điểm tiêm cần hẹn giờ phù hợp, đảm bảo trẻ được theo dõi 30 phút sau tiêm, bố trí giãn cách an toàn phòng chống dịch COVID-19. Cán bộ y tế phối hợp với giáo viên, tăng cường công tác tư vấn, vận động phụ huynh đồng ý tiêm chủng cho trẻ. Trong khi tiêm ngừa, cần kiểm tra kỹ loại vắc xin tránh nhầm lẫn, cung cấp số điện thoại cơ sở y tế để phụ huynh có thể liên hệ khi trẻ có phản ứng bất lợi sau tiêm.
Chiều cùng ngày, CDC tiếp tục kiểm tra các điểm tiêm chủng tại trường THCS An Thới, THCS Bình Thủy và THCS Trà An thuộc quận Bình Thủy. Các điểm tại trường đều chuẩn bị bố trí sẵn sàng khu vực tiêm chủng, khu vực chờ tiêm, theo dõi sau tiêm. Nhà trường tăng cường tuyên truyền cho học sinh về lợi ích của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, cung cấp thông tin y tế cho phụ huynh về những lưu ý khi đưa trẻ tiêm chủng vắc xin... Trước đó, chiều 20/4, CDC đã tiếp nhận 10.400 liều vắc xin Moderna được Bộ Y tế phân bổ. Do số lượng vắc xin có hạn nên phân bổ cho các quận/huyện theo nguyên tắc tam suất, trước mắt tiêm cho trẻ đang học lớp 6.
Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, nhất là trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ, giảm nguy cơ bệnh nặng khi mắc COVID-19. Bên cạnh đó, còn giảm sự lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là người có nguy cơ cao, những người chống chỉ định tiêm chủng và chưa đến tuổi tiêm chủng. Hiện có 2 loại vắc xin phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế phê duyệt đưa vào tiêm chủng cho trẻ ở độ tuổi này. Loại thứ nhất là vắc xin Pfizer, sử dụng cho nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi. Liều tiêm là 0,2ml; tiêm bắp. Lịch tiêm: 2 mũi, cách nhau 4 tuần. Để tránh nhầm lẫn với vắc xin dùng cho người lớn, lọ vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có nắp màu cam.
Loại thứ hai là vắc xin Moderna, được sử dụng cho nhóm từ 6 đến dưới 12 tuổi, cùng loại vắc xin sử dụng cho người lớn. Tuy nhiên, liều tiêm cho trẻ em là 0,25ml (bằng 1/2 liều cơ bản sử dụng cho người lớn); tiêm bắp. Lịch tiêm cũng gồm 2 mũi, cách nhau 4 tuần. CDC Cần Thơ khuyến cáo khi đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, phụ huynh cần lưu ý những điều sau đây: - Cha, mẹ, người giám hộ đọc kỹ thông tin trong Giấy mời tiêm chủng cho trẻ được gửi đến gia đình; điền đầy đủ thông tin và ký vào Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (nếu đồng ý cho trẻ tiêm chủng). - Đưa trẻ đi tiêm chủng theo đúng lịch hẹn tiêm chủng (thời gian, địa điểm). Cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi đi tiêm. - Khi đi tiêm chủng: hướng dẫn và cùng với trẻ thực hiện đầy đủ Thông điệp 5K phòng, chống dịch COVID -19. - Chủ động thông báo cho giáo viên, nhân viên y tế các thông tin: * Thông tin cá nhân của trẻ, họ tên cha, mẹ, người giám hộ và số điện thoại liên hệ khi cần thiết. * Tình trạng sức khỏe của trẻ như: tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng, dị tật bẩm sinh, bệnh lý nền, các loại thuốc điều trị trẻ đang sử dụng… - Phối hợp chặt chẽ cùng giáo viên, nhân viên y tế, thực hiện đầy đủ các quy định tại buổi tiêm chủng cho trẻ. - Sau khi tiêm vắc xin để trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm. - Khi về nhà, nơi lưu trú: * Trong 3 ngày đầu sau tiêm, luôn có người hỗ trợ trẻ 24/24 giờ, tránh cho trẻ vận động mạnh, đảm bảo dinh dưỡng. Theo dõi các dấu hiệu sau tiêm chủng của trẻ theo khuyến cáo của cán bộ y tế để xử trí kịp thời khi cần thiết. * Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi; nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay; không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. * Nếu trẻ có sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh; đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.