Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttp://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Chủ nhật - 24/04/2022 22:56
Từ ngày 19 đến 23/4/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện hoạt động cho nhân viên tiếp cận cộng đồng (NVTCCĐ)/tiếp cận viên (TCV) phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, với khoảng 100 học viên là các NVTCCĐ, TCV trên địa bàn thành phố đến dự.
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được các cán bộ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ cung cấp các nội dung liên quan như: kiến thức cơ bản về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS dành cho NVTCCĐ; kiến thức cơ bản về điều trị PrEP, trang web prepngay.com; chức năng nhiệm vụ, chỉ tiêu thực hiện hoạt động năm 2022; hướng dẫn tiếp cận online, đăng bài và thực hành; hướng dẫn cách thức giới thiệu về trang web tuxetnghiem.vn; hướng dẫn nhập liệu vào phần mềm báo cáo trực tuyến (PDMA) và Hệ thống dịch vụ chuyển gửi hiện có trên địa bàn TP Cần Thơ...
Qua lớp tập huấn các học viên được nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng triển khai các hoạt động can thiệp dự phòng, quản lý chăm sóc người nhiễm và thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp cận cộng đồng, tư vấn khách hàng đến cơ sở y tế xét nghiệm, điều trị HIV và các dịch vụ liên quan, cấp phát dụng cụ can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tại địa phương. Đồng thời, tăng cường kết nối, phối hợp giữa nhân viên tiếp cận cộng đồng với cơ sở y tế hướng đến hiệu quả và phát triển vững mạnh; thực hiện tốt cơ chế phối hợp với ngành Y tế, các ban ngành tại địa phương trong việc triển khai các hoạt động can thiệp phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố.
Hiện nay mạng lưới NVTCCĐ/TCV trên địa bàn thành phố Cần Thơ có khoảng 105 đồng đẳng viên MSM (trong đó có 62 tiếp cận viên làm truyền thông cho nam sinh viên tại 13 điểm Trường ĐH, CĐ và Trung cấp; 18 tiếp cận viên là nhóm CBO gồm có S Đỏ và Glink; 25 NVTCCĐ thuộc 9 TTYT quận/huyện quản lý) và 25 đồng đẳng viên nhóm Nghiện chích ma túy. Những người này là những người được các chương trình, dự án tuyển chọn, đào tạo để truyền thông các đối tượng nhằm khuyến khích khách hàng đến tiếp cận các dịch vụ như tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế và điều trị HIV/AIDS; đồng thời, cung cấp các vật phẩm giảm tác hại như bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm cho khách hàng có hành vi nguy cơ cao. Tư vấn xét nghiệm HIV ngoài cộng đồng, kết nối khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm khẳng định HIV và kết nối vào chăm sóc điều trị HIV/AIDS. Bên cạnh đó họ cũng giới thiệu, chuyển gửi khách hàng chưa nhiễm HIV tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Trong thời qua, công tác Phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam nói chung và tại thành phố Cần Thơ nói riêng đã có những thành tựu quan trọng và được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030, ngành Y tế và cả hệ thống chính trị phải thực sự nỗ lực và có nhiều giải pháp đồng bộ, khoa học. Đồng thời, phải phát huy vai trò chủ động, tích cực của mọi người dân./.