Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttp://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ năm - 24/10/2019 04:18
Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, dinh dưỡng lành mạnh có tác động mạnh mẽ tới sức khỏe của mỗi con người trong suốt cả cuộc đời, thậm chí liên quan đến cả thế hệ sau của họ (dinh dưỡng với chu kỳ vòng đời). Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 75% số trường hợp tử vong ở Việt Nam là do các bệnh không lây nhiễm. Trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout… Tỷ lệ bệnh tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng gần 2 lần sau 13 năm (1992-2005); tỷ lệ thừa cân - béo phì tăng gấp 2 lần sau 5 năm (2000 - 2005); tỷ lệ đái tháo đường tăng hơn 2 lần sau 10 năm (2002 - 2012). Các tỷ lệ này cao hơn ở những thành phố lớn và nguy cơ quan trọng hàng đầu dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh mạn tính không lây trên chính là chế độ dinh dưỡng bất hợp lý, thừa năng lượng, thừa muối, thừa đường, thiếu vận động.
Còn kết quả cuộc Tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 cho thấy, có 57,2% số người trưởng thành (18 - 69 tuổi) ăn ít rau, trái cây (tức là ăn ít hơn 5 suất rau/trái cây trung bình trong 1 ngày - theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); đến 28,1% số người thiếu hoạt động thể lực (tức là có <150 phút hoạt động thể lực cường độ trung bình trên tuần hoặc tương đương).
Theo Thạc sĩ Trần Xuân Huyền, Phó Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, với người trưởng thành, năng lượng từ nhóm các chất bột đường chỉ nên chiếm 60-65% tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do chất béo cung cấp (chiếm 20-25%) và chất đạm (chiếm 10-15%), còn lại làm nhóm vitamin và khoáng chất. Trong đó, WHO khuyến cáo nên ăn ít nhất 400 gam rau, quả mỗi ngày.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý được khuyến nghị là: chế độ ăn cần đủ các chất dinh dưỡng so với nhu cầu cơ thể, ăn đa dạng các loại thực phẩm, các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn gốc động vật và nguồn gốc thực vật.
Không có một thức ăn nào là toàn diện và có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu cơ thể. Mỗi loại thức ăn có chứa một số loại chất dinh dưỡng nhất định với tỷ lệ khác nhau cho nên bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm. Các chất dinh dưỡng của các loại thực phẩm này sẽ bổ sung cho nhau và giá trị dinh dưỡng của bữa ăn sẽ tăng lên. Trong khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản... đậu, đỗ...). Ngoài ra, nên có cả dầu thực vật và mỡ động vật ở tỷ lệ cân đối trong khẩu phần ăn. Tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. Không nên ăn các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn vì có nhiều muối/chất ngọt/dầu mỡ, thức ăn có chỉ số đường huyết cao. Ăn đủ nhu cầu, cần phân chia hợp lý các bữa ăn trong ngày (tùy theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ lao động); Không nên ăn mặn, sử dụng muối I - ốt trong chế biến thức ăn. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi; duy trì cân nặng ở mức thích hợp.
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người và của cả xã hội, là mục tiêu phát triển, đồng thời cũng là nhân tố quyết định để đạt được sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Vì vậy, đầu tư cho công tác chăm sóc, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe nhân dân phải được ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của mỗi địa phương.
Tại TP Cần Thơ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ đã triển khai Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển từ 16-23/10/2019 trên phạm vi toàn thành phố nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thực hành dinh dưỡng của người dân về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống người Việt Nam. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận/huyện tổ chức giám sát các trạm y tế về kết quả triển khai các hoạt động. Kết thúc tuần lễ, các trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện báo cáo kết quả triển khai về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ.
Các khuyến cáo dinh dưỡng:
- Phát triển VAC trên cơ sở bảo vệ môi trường để tạo ra nguồn thực phẩm an toàn.
- Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình.
- Tăng cường ăn các loại rau/củ và trái cây; các loại hạt (đậu, đỗ, vừng lạc…).
- Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường ngọt, muối, chất béo. Không ăn mặn.
- Nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, bảo đảm đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi.
- Khuyến khích các hoạt động thể lực và duy trì lối sống năng động, lành mạnh.
- Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1.000 ngày đầu đời là mang lại tương lai tốt đẹp nhất cho trẻ, giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành.