Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttp://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ tư - 14/08/2024 22:45
Sử dụng đồ uống có đường cũng là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, đái tháo đường típ 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa… Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày.
Theo WHO, đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (đường đơn và đường đôi được thêm vào thực phẩm và đường tự nhiên có trong mật ong, siro, nước ép hoa quả, nước hoa quả cô đặc). Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn QCVN 6-2:2010/BYT, đồ uống có đường là sản phẩm được pha chế từ nước với các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, có thể bao gồm CO2. Một số loại đồ uống có đường phổ biến: nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga; nước ép trái cây/rau củ; đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống; chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà hòa tan, cà phê hòa tan, sữa có pha chế hương liệu. Theo PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai, Viện Dinh dưỡng, tiêu thụ quá nhiều thường xuyên đồ uống có đường, có nhiều nguy cơ cho sức khỏe: thừa cân béo phì, đái tháo đường tuýp 2, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, ảnh hưởng tới hệ xương răng, ảnh hưởng hấp thu các chất dinh dưỡng như kali, canxi, phốt pho, vitamin, ảnh hưởng đến bệnh lý thận - tiết niệu, ảnh hưởng đến bệnh lý đường tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não và sa sút trí tuệ.
Tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã gia tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm. Từ mức trung bình 6,6 lít/người/năm vào năm 2002 lên mức 50,7 lít/người/năm (2018). Đáng chú ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 đồng thời Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,2 triệu) vào năm 2040. Ðồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh không lây nhiễm. Nếu uống từ 1 lon đồ uống có đường trở lên mỗi ngày sẽ gặp phải một số vấn đề: tăng nguy cơ răng bị ăn mòn dễ dẫn đến sâu răng; tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc chết vì nhồi máu cơ tim 20% ở nam và 40% ở nữ; tăng nguy cơ bị gãy xương gấp 2,72 lần; tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, bao gồm béo phì, rối loạn lipid máu, tăng glucose máu; đái tháo đường tuýp 2; tăng 26% nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2, tăng 18% nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến béo phì; có nguy cơ mắc gút cao hơn 75%; ảnh hưởng hấp thu các chất dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc bệnh lý thận - tiết niệu như sỏi thận, bệnh thận mãn tính; nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn 1,36 lần.
Vì vậy, theo khuyến cáo của WHO lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày. Tương đương dưới 25-50g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25g đường mỗi ngày với trẻ em. Khuyến nghị trẻ em từ 2 đến 18 tuổi hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g mỗi ngày; không quá 235 ml đồ uống có đường mỗi tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường. WHO khuyến nghị áp dụng biện pháp thuế và giá nhằm giảm tiêu thụ đường. Nghiên cứu của Đại học Y tế Công cộng Hà Nội (năm 2022) cho thấy đánh thuế đồ uống có đường mang lại lợi ích như: khuyến khích giảm tiêu thụ đồ uống có đường; giảm thừa cân, béo phì; giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới chế độ ăn và có thể tiết kiệm hơn 600 tỷ đồng chi phí y tế trực tiếp để điều trị bệnh tiểu đường típ 2. Nhằm hạn chế tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh, đồ uống có đường, ngày 5/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 02/QÐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, theo đó, xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 1294/QÐ-BYT (ngày 19/5/2022) về kế hoạch hành động Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng xây dựng quy định về hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của các nhãn hàng đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Thông tư số 29/2023/TT-BYT về hướng dẫn (ngày 30/12/2023) về hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.
Viện Dinh dưỡng khuyến cáo nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường + Nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt. + Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn...) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hòa tan...), bánh kẹo ngọt, mứt, sirô... + Hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn. + Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác. + Chọn các kích cỡ suất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lương. + Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô. + Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn. + Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ.