Người lớn không chủ quan với bệnh tay chân miệng

Thứ ba - 12/09/2023 02:19
Bệnh tay chân miệng (TCM) thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể mắc TCM nếu như không thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh và hệ miễn dịch chưa đủ mạnh để chống lại vi rút gây bệnh.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng.
Các dấu hiệu của bệnh TCM ở người lớn cũng tương tự như ở trẻ em. Tuy nhiên, triệu chứng TCM ở người lớn thường khó nhận biết, dễ bị bỏ qua, cộng với tâm lý chủ quan “người lớn không bị mắc TCM” sẽ dẫn đến việc bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời. Mặt khác, người lớn khi tiếp xúc với nguồn bệnh TCM, bản thân có thể mang mầm bệnh, sẽ trở thành nguồn lây bệnh cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.
Thời gian ủ bệnh TCM ở người lớn từ 3 - 6 ngày; khởi phát bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ và đau rát ở họng. Ban đầu trên cơ thể người mắc bệnh sẽ có các mụn nước nhỏ, xuất hiện ở trong miệng, bàn tay, cánh tay, bàn chân, đầu gối, đùi, mông, vùng bẹn... Những nốt ở trong miệng rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng. Các vết loét trong miệng là vết loét đỏ hay tổn thương dạng phỏng nước, đường kính khoảng 2-3mm, ở niêm mạc miệng, má, lợi, lưỡi, khi vỡ ra sẽ tạo thành các vết loét trong miệng và gây đau. Tuy nhiên, một vài trường hợp, người mắc bệnh TCM không có những nốt mụn nước, thay vào đó chỉ phát ban đỏ nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Ở người trưởng thành, có thể có thêm các dấu hiệu: Ho, sốt, sổ mũi, mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức cơ, ăn uống không ngon...
Hầu hết người lớn mắc bệnh sẽ tự khỏi sau hơn một tuần và một số người lớn có sức đề kháng cơ thể yếu, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn. TCM ở người lớn nếu không được chăm sóc và xử trí tốt có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Biến chứng thần kinh (viêm não, viêm màng não, viêm não tủy...), biến chứng tim mạch (viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy tim, trụy tim mạch...). Các biến chứng này có thể nguy hiểm đến tính mạng, do vậy cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi mắc bệnh, cần được thăm khám và thực hiện các biện pháp dự phòng đầy đủ nhằm hạn chế lây nhiễm cho người khác. Tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm, tránh cọ rửa, chà xát các vết mụn nước gây vỡ; có thể hòa loãng các dung dịch sát khuẩn vào nước để tắm. Quần áo nên chọn loại vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi. Có chế độ ăn uống đủ chất, tránh ăn đồ chua, thức ăn mặn hoặc cay, tránh các thức ăn cần nhai nhiều để giúp các vết loét trong miệng không bị tổn thương. Nên ăn thức ăn mềm nhẹ trong vài ngày, uống nhiều nước, nên dùng đồ uống nguội mát và súc miệng bằng nước sạch sau mỗi bữa ăn.
Các bác sĩ khuyến cáo người lớn cần chủ động tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân, đồng thời không trở thành nguồn lây TCM cho người khác. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi tiếp xúc với các vết mụn nước hoặc vết loét, sau khi chăm sóc người bệnh. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn như: Dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn hoặc ghế, sàn nhà... Thực hiện ăn chín uống sôi, không sử dụng chung các đồ dùng ăn uống với người bệnh; tránh tiếp xúc gần gũi (ôm, hôn) với những thành viên trong gia đình để hạn chế lây nhiễm bệnh.

Nguồn tin: Thiên Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay6,395
  • Tháng hiện tại200,570
  • Tổng lượt truy cập23,939,119
cdc tết nguyên đáng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây