Tăng cường giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng khu vực phía Nam đầu năm học mới 2023-2024

Thứ tư - 06/09/2023 21:34
Ca mắc tay chân miệng tính đến thời điểm này đang tăng hơn 59% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia khuyến cáo, bước vào năm học mới, phụ huynh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.
Tại các cơ sở giáo dục, hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
Tại các cơ sở giáo dục, hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
Một tuần ghi nhận hơn 3.605 ca mắc tay chân miệng
Chiều 6/9/2023, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tổ chức họp giao ban trực tuyến với 20 tỉnh thành khu vực phía Nam về Tăng cường giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng khu vực phía Nam đầu năm học 2023-2024. TS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp. Tại điểm cầu Cần Thơ, có đại diện Sở Y tế, các Khoa liên quan tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Tại cuộc họp, các tỉnh thành đã được nghe cập nhật tình hình bệnh tay chân miệng. Theo thống kê, trong tuần 34/2023, cả nước ghi nhận 3.605 trường hợp mắc tay chân miệng, không ghi nhận ca tử vong. So với tuần trước (5.727/0), số mắc giảm nhưng vẫn cao so với năm 2022. Tích lũy từ đầu năm đến tháng 8/2023, cả nước ghi nhận 74.399 ca mắc tay chân miệng (tăng 59% so với cùng kỳ 2022); riêng khu vực phía Nam ghi nhận 58.409 ca mắc.
Ở nước ta bệnh tay chân miệng từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.
TAYCHANMIENG 002
Trẻ có dấu hiệu mắc tay chân miệng đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
6 biện pháp phòng bệnh tay chân miệng khi năm học mới đến gần
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay đang là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh tay chân miệng.
Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, học sinh, ngay từ đầu năm học mới, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh; không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác; cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
TAYCHAN MIENG 003
Các đại biểu tham dự họp giao ban trực tuyến với 20 tỉnh thành khu vực phía Nam về Tăng cường giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng khu vực phía Nam đầu năm học 2023-2024 tại điểm cầu Cần Thơ.
Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng, cha mẹ cần chú ý:
Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp).
Một số dấu hiệu khác: khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…
Các bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

 

Nguồn tin: Bài, ảnh: Đỗ Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay9,212
  • Tháng hiện tại144,667
  • Tổng lượt truy cập23,883,216
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây