Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống sốt rét 25/4: “Mỗi người hãy góp phần loại trừ bệnh sốt rét”

Chủ nhật - 26/04/2020 23:55
Năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát động chủ đề tuyên truyền ngày Thế giới phòng, chống sốt rét 25/4 là: “Mỗi người hãy góp phần loại trừ bệnh sốt rét”.
Muỗi mang trong mình các loại ký sinh trùng, vi rút… có thể gây nên các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết… Ảnh minh họa: Thiên Thanh
Muỗi mang trong mình các loại ký sinh trùng, vi rút… có thể gây nên các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết… Ảnh minh họa: Thiên Thanh
TP Cần Thơ là một trong 25 tỉnh/thành phố đã đạt tiêu chí, hồ sơ xác nhận loại trừ bệnh SR do Viện SR – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương ban hành tại Quyết định số 1987/QĐ-VSR ngày 23/12/2019. Từ đầu năm đến nay, các hoạt động phòng chống SR được duy trì, thường xuyên tại tuyến cơ sở. Nhiều năm qua, việc thực hiện tốt công tác dự phòng giúp TP Cần Thơ không có trường hợp người mắc bệnh do SR và không có nguy cơ xảy ra dịch trên địa bàn.
Để duy trì kết quả đạt được và thực hiện giai đoạn phòng ngừa SR quay trở lại sau khi loại trừ, Viện SR - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã có Công văn số 239/VSR-DTSR ngày 26/2/2020 về việc hướng dẫn 25 tỉnh thực hiện phòng ngừa SR quay trở lại. Theo đó, duy trì các hoạt động giám sát thường xuyên nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh SR nhập cảnh từ các quốc gia, các địa phương đang lưu hành bệnh SR để điều trị kịp thời và ngắt đường lây truyền. Trường hợp xuất hiện ổ bệnh sẽ được điều tra, phân loại và xử lý ổ bệnh như trong giai đoạn loại trừ SR theo Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh SR. Truyền thông, giáo dục sức khỏe, phòng chống SR ở những vùng nguy cơ và những đối tượng nguy cơ cao.
Sốt rét (SR) là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây nên và do muỗi Anophen truyền từ người bệnh sang người lành. Mọi người đều có thể mắc bệnh nếu sống hoặc có qua lại vùng rừng núi nơi có SR lưu hành và bị muỗi Anophen đốt.
Biểu hiện của bệnh SR có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Loại ký sinh trùng mắc phải, tình trạng miễn nhiễm của ký chủ, cơ địa ký chủ như thai nghén, suy dinh dưỡng… Thời kỳ ủ bệnh SR là thời gian từ khi bị nhiễm ký sinh trùng cho đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đầu tiên. Thời gian này trung bình từ 9-30 ngày thay đổi tùy theo từng chủng loại ký sinh trùng SR.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh SR bao gồm các cơn sốt điển hình trải qua 3 giai đoạn: rét run, sốt cao, vã mồ hôi. Một cơn sốt thường kéo dài từ 2-8 giờ, ngoài cơn sốt người bệnh không có cảm giác bị bệnh. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng đi kèm khác như là: nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, rối loạn ý thức nhẹ, đau cơ, rối loạn tiêu hóa…
Đối với những người bị SR lần đầu, kiểu sốt cơn điển hình như thế thì không thường gặp, trong khi những triệu chứng đi kèm khác lại thường xuất hiện, làm cho chúng ta dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như là bệnh sốt xuất huyết, cúm, nhiễm siêu vi… Trong khi đó, những người bị SR thường xuyên sẽ có các triệu chứng thiếu máu mạn, gan to, lách to, suy kiệt.
Để không mắc bệnh SR cần tránh bị muỗi đốt, mọi người dân cần thực hiện các biện pháp sau: Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh SR. Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng hương xua muỗi, dùng vợt, lồng bắt muỗi, thoa kem chống muỗi. Cần vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu...
Ngoài ra, có thể trồng hoặc đặt những loại cây như cây sả, cây húng thơm, hương thảo, cúc vạn thọ trong nhà, sân vườn… Chúng vừa thân thiện với môi trường, không gây độc hại cho sức khỏe lại giúp phòng chống và xua đuổi muỗi hiệu quả. Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị SR sẽ được điều trị kịp thời.
BS.CKI Huỳnh Văn Vũ
Trưởng khoa KST-Côn trùng CDC Cần Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập46
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay11,728
  • Tháng hiện tại147,317
  • Tổng lượt truy cập22,508,491
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây