Thực tế, bệnh trĩ khá phổ biến. Thống kê cho thấy, có đến 3 trong số 4 người trưởng thành sẽ gặp vấn đề với bệnh trĩ vào một thời điểm nào đó trong đời. Nếu không chủ động tìm hiểu và chia sẻ, người bệnh có thể mắc một số hiểu lầm tại hại về bệnh trĩ.
Táo bón hoặc ăn ít chất xơ là những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất gắn với hậu quả là bệnh trĩ. Vì thế, nhiều người nghĩ rằng bệnh trĩ không có liên quan gì đến di truyền. Điều này không hoàn toàn đúng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, di truyền cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trĩ.
Cụ thể, các nhà khoa học đã xác định được 102 vùng gen liên quan đến rối loạn chức năng cơ trơn, biểu mô và mô liên kết tại trực tràng. Vì thế, nếu bố mẹ mắc bệnh trĩ thì nguy cơ con cái cũng mắc bệnh sẽ cao hơn.
Ngoài ra, bệnh trĩ cũng mang đặc tính gia đình. Vì bệnh trĩ liên quan nhiều đến thói quen ăn uống, sinh hoạt, chẳng hạn như: chế độ ăn ít chất xơ, ăn nhiều đồ cay nóng, ít vận động,... Nên nếu cha mẹ có các thói quen xấu dẫn đến bệnh trĩ thì con cái có thể học theo và có thể bị trĩ.
Một trong những quan niệm sai lầm khá phổ biến là chỉ có một loại bệnh trĩ. Trong khi thực tế, bệnh trĩ được chia thành hai loại: bệnh trĩ nội và bệnh trĩ ngoại. Mặc dù, cả hai loại đều bắt nguồn từ việc búi tĩnh mạch tại trực tràng bị sưng lên nhưng lại có những điểm khác biệt khá rõ ràng.
Trĩ nội hình thành bên trong trực tràng. Trực tràng là bộ phận nằm ở dưới cùng của đường tiêu hóa. Nó là đoạn nối giữa ruột kết (còn được gọi là ruột già) với hậu môn. Ban đầu, trĩ nội thường diễn biến khá âm thầm vì người bệnh thường không cảm thấy đau đớn. Tuy nhiên, dạng trĩ này có thể gây chảy máu khiến phân có màu đỏ hoặc đen.
Trĩ ngoại hình thành xung quanh hậu môn, ngay bên ngoài da. Trĩ ngoại thường gây đau đớn, và bệnh nhân cũng có thể bị ngứa, chảy máu hoặc kích ứng.
Cả hai loại trĩ đều có thể gây sa búi trĩ. Tức là khi búi tĩnh mạch phải chịu nhiều áp lực, chúng có xu hướng phình ra hoặc sa ra bên ngoài hậu môn. Bệnh nhân có thể cảm nhận rõ rệt tình trạng sa búi trĩ và khi đó, mức độ đau tăng lên rõ rệt.
Nhiều người thường liên tưởng bệnh trĩ là căn bệnh của người lớn tuổi, nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Tuổi tác có thể là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trĩ, thậm chí chúng có thể là vấn đề phổ biến đối với những người trong độ tuổi từ 45 đến 65. Tuy nhiên, tuổi tác không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất khiến bạn bị trĩ.
Những người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh trĩ, đặc biệt nếu họ có chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc cố gắng rặn khi đi đại tiện. Đôi khi, người trẻ có thói quen ăn thức ăn nhanh, đồ ăn cay nóng,... dẫn đến đường tiêu hóa xấu đi nhanh chóng.
Bệnh trĩ phổ biến hơn ở người lớn tuổi vì tuổi cao khiến các mô nằm giữa trực tràng và hậu môn có thể yếu đi. Từ đó, các tĩnh mạch dễ bị sưng lên hoặc phình ra. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp mắc bệnh trĩ ở người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
Bệnh trĩ không phải lúc nào cũng kèm theo những cơn đau. Trên thực tế, nhiều người không biết mình mắc trĩ nội vì chúng thường không gây đau trừ khi có hiện tượng sa búi trĩ.
Dấu hiệu đặc trưng và quan trọng nhất của bệnh trĩ nội là hậu môn bị chảy máu. Nếu bạn thấy máu dính trên giấy vệ sinh sau khi lau, hoặc phân có dính máu, bạn nên đến bệnh viện hoặc liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra.
Mặt khác, dù chảy máu trực tràng là triệu chứng điển hình của bệnh trĩ nội, nhưng nó cũng là triệu chứng của các bệnh tiêu hóa khác, thậm chí một số bệnh nghiêm trọng. Vì thế, đừng bỏ qua dấu hiệu này.
Thực tế, chế độ ăn uống có mối liên quan khá rõ ràng đến việc có mắc bệnh trĩ hay không. Nhưng đừng quy chụp bệnh trĩ hoàn toàn là do thức ăn cay nóng. Hiện nay, không có bằng chứng nào chứng minh thức ăn cay nóng là nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ.
Tuy nhiên, nếu bạn đã mắc bệnh trĩ và chưa được điều trị, bạn nên tạm thời tránh ăn đồ ăn cay. Đó là do thức ăn cay có thể gây ra các tình trạng rối loạn tiêu hóa khác và việc đi ngoài sau khi ăn thức ăn cay có thể gây khó chịu cho những người mắc bệnh trĩ, đặc biệt nếu bạn đang bị đau.
Hiện nay có nhiều cách điều trị bệnh trĩ tại nhà và nhiều loại thuốc trị bệnh trĩ mà không cần đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh vẫn cần đến sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Đó là:
Chảy máu trực tràng
Khi mắc bệnh trĩ, đừng bỏ qua dấu hiệu chảy máu trực tràng. Nếu đi ra phân có màu đỏ hoặc đen, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra. Việc mất máu mãn tính do trĩ có thể khiến người bệnh mắc chứng thiếu máu. Và búi trí cũng có thể bị thiếu nguồn cung cấp máu dẫn đến trĩ bị nghẹt gây đau đớn vô cùng.
Mặc dù bệnh trĩ là nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng đi ngoài ra máu, nhưng chảy máu trực tràng cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh đường tiêu hóa nghiêm trọng hơn như ung thư ruột kết hoặc bệnh viêm ruột.
Sa búi trĩ
Trong trường hợp trĩ nội, búi trĩ có thể sa ra ngoài hậu môn khi bệnh nhân cố gắng đi đại tiện. Mặc dù ban đầu, búi trĩ có thể tự thụt lại vào bên trong hoặc nhờ tác động của người bệnh, nhưng điều này có nghĩa là bệnh trĩ đang nặng lên.
Nếu không được điều trị, búi trĩ có thể bị mắc kẹt ngoài hậu môn và gây kích ứng, đau đớn, chảy máu,...
Cơn đau quá mức
Bệnh trĩ có thể gây ra các cơn đau làm gián đoạn cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Nếu bệnh trĩ khiến việc đi lại khó khăn, không thể ngồi hoặc đau đớn khi đi tiêu, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được giúp đỡ.
Không có lý do gì mà bạn phải chịu đựng trong im lặng khi các bác sĩ có thể cung cấp các biện pháp can thiệp giúp cải thiện bệnh trĩ và giảm bớt sự khó chịu của bạn. Vì thế, hãy đến bệnh viện và chia sẻ với bác sĩ, nếu các biện pháp điều trị trĩ tại nhà không hiệu quả.
Tóm lại, bệnh trĩ không phải là một điều đáng xấu hổ, vì ai cũng có thể mắc phải. Hãy chủ động chia sẻ và tìm hiểu về bệnh trĩ để không mắc phải những hiểu lầm tai hại trên. Bệnh trĩ có thể cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc tích cực tại nhà, nhưng nếu bạn không nhận thấy sự thay đổi trong vòng 7 ngày, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Indiana University Health (Ngày đăng: Ngày 19 tháng 04 năm 2022). 5 Top Hemorrhoids Myths –And the Truth about Treatment, Indiana University Health. Ngày truy cập: Ngày 29 tháng 03 năm 2023
Dược sĩ Lưu Anh (Ngày đăng: Ngày 06 tháng 01 năm 2022). Bệnh Trĩ, Dấu Hiệu Bệnh Và Cách Chữa Bệnh Trĩ Tại Nhà. TrungTamThuo.com. Ngày truy cập: Ngày 29 tháng 03 năm 2023.
Dược sĩ Thu Thảo (Ngày đăng: Ngày 29 tháng 12 năm 2022). Gel bôi điều trị bệnh trĩ. Ngày truy cập: Ngày 29 tháng 03 năm 2023
Tenghao Zheng, David Ellinghaus, Simonas Juzenas, [...] (Ngày đăng: Ngày 12 tháng 07 năm 2021). Genome-wide analysis of 944 133 individuals provides insights into the etiology of haemorrhoidal disease, BMJ Journals. Ngày truy cập: Ngày 29 tháng 03 năm 2023
Dược sĩ Lưu Anh (Ngày đăng: Ngày 29 tháng 12 năm 2022). Thuốc điều trị bệnh trĩ. Ngày truy cập: Ngày 29 tháng 03 năm 2023.
Dược sĩ Đặng Hoàn (Ngày đăng: Ngày 24 tháng 02 năm 2023). Bệnh Trĩ: Nguyên nhân, dấu hiệu và các phương pháp điều trị. Nhathuocngocanh.com. Ngày 29 tháng 03 năm 2023.
DAVID R. HEIMAN, MD (Ngày đăng: Ngày 16 tháng 04 năm 2021). How Long Hemorrhoids Last & When to See a Doctor, Florida Medical Clinic. Ngày truy cập: Ngày 29 tháng 03 năm 2023
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn