Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơhttp://cdccantho.vn/uploads/cdc-logo-final-2-120x120.png
Thứ năm - 26/10/2023 03:03
Tính đến ngày 24/9/2023, toàn thành phố Cần Thơ có 1.489 ca mắc sốt xuất huyết, 364 ổ dịch. Tuy số ca sốt xuất huyết và ổ dịch có giảm hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên, ca độ nặng tăng 3,8% tổng số ca mắc năm 2023. Chủ yếu ca mắc sốt xuất huyết có độ tuổi dưới 16 tuổi, tăng cao ở các phường như: Hưng Lợi, Bình Thủy, Thới An, Tân Lộc, Lê Bình, Trường Thắng, Vĩnh Trinh, Trường Long, Trung Hưng.
Bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường, thậm chí dễ dẫn đến biến chứng nặng nếu không kịp thời chữa trị. Điều đáng lưu ý là rất nhiều trường hợp bệnh trở nặng phức tạp là do sự nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và các triệu chứng sốt thông thường (phát ban, siêu vi...). Vì thế, hãy trang bị cho mình những thông tin cần thiết để dễ dàng phân biệt và xử lý kịp thời. Các bác sĩ khuyến cáo, sốt thông thường (sốt phát ban, sốt siêu vi...) bệnh nhân có dấu hiệu sốt (có thể là sốt cao) nhưng sốt theo từng cơn; Có kèm các triệu chứng liên quan đến viêm đường hô hấp, ví dụ như: ho, chảy nước mũi, đau họng; Có hoặc không có phát ban trên da… Còn bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân sau khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt, người bệnh sẽ ủ bệnh khoảng 5 ngày, sau đó mới phát bệnh với những triệu chứng như: Sốt cao đột ngột, liên tục từ 39 - 40 độ trong 2 - 7 ngày; Chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau bụng, đau hốc mắt; Xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm ở vết đốt, chảy máu cam, nôn ra máu. Lưu ý khi có dấu hiệu của sốc của sốt xuất huyết như: mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm hoặc không đo được, tay chân lạnh, bứt rứt, nôn liên tục, nôn ra máu, chảy máu lợi và chân răng, thở nhanh, mệt mỏi bồn chồn … thì bệnh nhân cần nhập viện gấp. Với những biểu hiện như sốt cao, đau nhức toàn thân, đau đầu, có thể nổi mẩn đỏ, khiến cho người bệnh bước đầu dễ nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và sốt thông thường, vì thế cần chú ý đến những dấu hiệu đặc thù như: Sốt thông thường sẽ đi kèm với các triệu chứng viêm hô hấp như đau họng, ho, chảy nước mũi… Dùng tay căng da ở các khu vực có nốt phát ban. Nếu vết ban đỏ biến mất nhanh thì khả năng cao là sốt thông thường. Nếu vẫn còn hoặc biến mất rất chậm thì có thể là sốt xuất huyết. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và xét nghiệm máu để có kết quả đúng và nhanh nhất. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, mỗi người cần tăng cường tìm hiểu và tuyên truyền các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh. Nên áp dụng các biện pháp sau: Phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh quanh khu vực sinh sống; Xử lý các vũng nước đọng, ao tù, đậy kín các vật dụng chứa nước; Ngủ trong mùng, mặc quần áo dài tay và sáng màu; Sử dụng các loại cây có tinh dầu đuổi muỗi như sả chanh, hương thảo, oải hương (lavender); Dùng các sản phẩm kem hoặc xịt chống muỗi trên da để có hiệu quả phòng chống muỗi tốt hơn.