Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Thứ ba - 06/12/2022 20:59
Ngày 24/11/2022, Bộ Y tế có công điện số 1576/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Theo công điện, số liệu thống kê tình hình dịch bệnh từ các địa phương, hiện nay đang là những tháng cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận 314.271 trường hợp mắc, 115 trường hợp tử vong.
Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. Ảnh: Lê Huy
Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. Ảnh: Lê Huy
Bộ Y tế nêu rõ, mặc dù với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên trong những tháng gần đây số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận.
Do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch COVID-19, ngoài ra ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch chưa cao, qua kiểm tra giám sát vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư.
SOTXUATHUYET2
Cán bộ Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật soi kính hiển vi định loại lăng quăng. Ảnh: Đỗ Quyên

Dự báo trong thời gian tới, tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Để tăng cường công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế điện và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo các nội dung, cụ thể:
Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy.
Ngành Y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Y tế tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết, cập nhật và theo dõi chặt chẽ nhóm người bệnh có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh nền mãn tính), chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị và thuốc để hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đồng thời rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Chỉ đạo Sở Tài chính trình UBND tỉnh/thành phố cấp bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết căn cứ theo tình hình dịch bệnh và hướng dẫn các nội dung chi, mức chi theo quy định để triển khai các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt; giai đoạn nặng và giai đoạn phục hồi.
Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Giai đoạn này kéo dài khoảng 24-48 giờ. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: Đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì.
Từ ngày thứ 4 trở ra, bệnh nhân thường hết sốt nên có thể chủ quan nghĩ mình đã khỏi bệnh. Thế nhưng, đây lại là giai đoạn bệnh có thể tiến triển nặng với các biểu hiện như đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết (chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng…).
Riêng tại thành phố Cần Thơ, số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng tăng dần qua các tháng, tăng cao bắt đầu từ tháng 5/2022. Đỉnh điểm là vào tháng 8 thành phố ghi nhận 1.215 ca mắc, tuy có chiều hướng giảm vào các tháng sau đó nhưng số ca ghi nhận vẫn còn cao. Tháng 11/2022 có số ca mắc sốt xuất huyết là 742 ca, giảm 32 ca so với tháng 10/2022. Trong đó, 6 quận/huyện có số ca mắc giảm, riêng huyện quận Bình Thủy, Ninh Kiều và Thốt Nốt có số ca mắc tăng so với tháng 10/2022.
Hiện tay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt.
Ngành Y tế khuyến cáo để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết, mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng hãy đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá vào lu, chum, vại, bể nước/hồ nước và dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy. Cọ rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên. Thường xuyên thay nước bình hoa; đổ nước đọng tại khay nước tủ lạnh. Bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng, bọ gậy vào chén nước kê chân tủ chén. Loại bỏ, lật úp các vật dụng phế thải như chai, lọ, vỏ dừa, lốt vỏ xe cũ; Lật úp các dụng cụ chứa nước chưa sử dụng, không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không nên tự ý điều trị tại nhà.
Cộng đồng cùng chung tay để đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết.

Nguồn tin: Đỗ Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

phunhoachat2
Siêu_âm
Lich Tiem
KSK
SKSS
Tư vấn HIV/AIDS (phải)
tuxetnghiem_phai
Thống kê
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay12,642
  • Tháng hiện tại83,775
  • Tổng lượt truy cập23,340,110
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây